PHẬT HỌC

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giáo pháp

 Nguyên thủy & Đại thừa - Sơ địa Bồ-tát

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG







Theo kinh Nguyên thủy, Hiền vị có ba cấp bậc là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Thánh vị là A-la-hán. Theo kinh Đại thừa, Hiền vị gồm 30 bậc là Bồ-tát thập trụ, Bồ-tát thập hạnh và Bồ-tát thập hồi hướng. Hàng Thánh vị gồm mười bậc là Bồ-tát thập địa. Như vậy, để đạt đến Hiền vị và Thánh quả, Nguyên thủy tu khác Đại thừa, vì hành giả theo Nguyên thủy lấy giải thoát làm chính, trong khi hành giả Đại thừa hành Bồ-tát đạo, cứu độ chúng sanh là việc chính. Từ đó đặt ra câu hỏi cho chúng ta rằng việc độ chúng sanh đúng hay tu giải thoát đúng. Phải khẳng định rằng cả hai đều đúng, không có pháp nào sai cả, nhưng tùy theo trình độ, căn cơ của từng hạng người khác nhau mà Đức Phật triển khai giáo pháp khác nhau.
Thật vậy, chính Đức Phật đã dạy các Tỳ-kheo hành đạo nên vì lợi ích của số đông và của chư Thiên, không phải tu giải thoát rồi không làm gì. Nhận thức sai lầm rằng người tu theo Phật giáo là đạo xuất thế, tách khỏi cuộc đời, không làm gì thì chắc chắn làm cho Phật giáo tiêu diệt. Người tu mà tách rời quần chúng, nói cách khác, là người đi tìm sự sống ngoài cuộc sống là việc hoang tưởng ví như hột giống đem gieo trong hư không, hay ví như lông rùa sừng thỏ.
Phật dạy mỗi thầy đi một hướng để độ chúng sanh, làm an lạc cho chư Thiên và loài người, điều này thể hiện tinh thần hành Bồ-tát đạo theo Đại thừa. Nhưng người chấp giáo pháp Nguyên thủy nghĩ rằng chỉ tu cho bản thân được giải thoát thôi. Tiến sang Phật giáo Đại thừa, chúng ta không bỏ cái gốc là phải nỗ lực tu cho được giải thoát, nhưng giải thoát rồi thì không dừng lại ở đó mà phải tiến tu giai đoạn hai là hành Bồ-tát đạo. Như vậy, đối với người tu có hai giai đoạn là tu giải thoát và hành Bồ-tát đạo độ sanh. KinhPháp hoa đúc kết hai pháp này, nói rằng người đắc quả A-la-hán mà không tin pháp Đại thừa là không tin việc làm lợi ích cho số đông là chưa đắc La-hán, còn ở trong Hiền vị phải tiếp tục tu để trở thành A-la-hán thật.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ lo tu, không làm gì, để đến khi đắc Thánh quả A-la-hán rồi mới độ sanh thì e rằng không kịp, vì mạng sống chấm dứt, không còn phước duyên hành Bồ-tát đạo; cho nên hành giả vừa tu vừa làm lợi ích cho chúng sanh gọi là tự hành hóa tha thì giai đoạn này là quyền Đại thừa, không phải thực Đại thừa. Vì vậy, theo tôi, khi còn ở giai đoạn quyền Đại thừa, chúng ta chưa hoàn toàn thanh tịnh, nhưng tranh thủ ban ngày làm việc lợi lạc cho chúng sanh, buổi tối chúng ta phải trụ định để xóa bỏ phiền não nghiệp chướng trần lao phát sanh khi làm việc nhằm giúp chúng ta an trụ trở lại tâm thanh tịnh của hành giả xuất thế.
Đắc La-hán rồi phát tâm Đại thừa giáo hóa chúng sanh là đúng. Nhưng chưa đắc Thánh quả mà giáo hóa chúng sanh là theo quyền Đại thừa tức vừa học vừa tu là đốt giai đoạn nên khó hơn người chuyên tu hay chuyên học. Người hành Bồ-tát đạo ở giai đoạn quyền Đại thừa có thể ví như người học tại chức, không học chánh quy. Chuyên tu là học chánh quy. Chúng ta tu quyền thừa Bồ-tát vừa học vừa làm giống như người tốt nghiệp tại chức thì không bằng người chuyên học, nhưng hơn họ là chúng ta có kinh nghiệm, làm giỏi, nhưng không hiểu chính xác bằng học chánh quy.
Vì vậy, kết hợp giáo pháp Nguyên thủy và Đại thừa sẽ có được sự thống nhất, cho nên chúng ta phải có tầm nhìn xuyên suốt bên trong như vậy mới không bị trở ngại; nếu không, cứ ở vị trí của mình mà chê trách người khác thì không phải là hành giả Nguyên thủy cũng không phải là hành giả Đại thừa đúng nghĩa. Với cái nhìn đúng đắn này, khi thấy thầy theo Nguyên thủy tu hành trì giới nghiêm túc, chúng ta quý trọng và cúng dường. Nếu thầy tu Nguyên thủy thấy thầy tu dấn thân vào việc lợi ích cho chúng sanh cũng phải kính trọng.
Tuần vừa qua, tôi sang Mỹ, có duyên gặp Thiền sư Kim Triệu, ngài là người Mỹ gốc Việt. Qua cuộc trao đổi, tôi và vị này có cái nhìn thống nhất về sự tu hành theo Phật giáo. Thiền sư Kim Triệu sang Ấn Độ học, tốt nghiệp tiến sĩ và sang Miến Điện tu Thiền, sau cùng ở Mỹ mở Thiền đường dạy tu Thiền. Tôi và ông có việc làm khác nhau, nhưng mục tiêu chung là làm vì Phật pháp, vì lợi ích cho số đông; như vậy có thể nói chúng tôi vẫn gặp nhau trong cuộc sống của người tu.
Chúng ta phải có cái nhìn xuyên suốt về đạo Phật từ giáo pháp của Phật giáo Nguyên thủy đi lên các kinh điển Đại thừa. Thật vậy, đắc Thánh quả A-la-hán rồi phát tâm Đại thừa tu Bồ-tát đạo cũng như người học chánh quy. Đức Phật cũng đã đi theo lộ trình này, Ngài phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp tu hành được ví như giai đoạn học chánh quy và thêm một trăm kiếp hành Bồ-tát đạo. Điều này thể hiện trong kinh Bản sanhtheo Phật giáo Nguyên thủy. Như vậy, nếu người theo Nguyên thủy chuyên tu giải thoát mà chưa có ý niệm hành Bồ-tát đạo, nên việc độ sanh gác qua một bên, nhưng trong kinh Nguyên thủy đã có Bồ-tát đạo. Vì vậy, chúng ta đối chiếu mười môn ba-la-mật của Nguyên thủy với mười môn ba-la-mật theo Đại thừa để tìm hiểu áp dụng. Tuy Nguyên thủy có mười môn ba-la-mật nhưng không áp dụng trong cuộc sống tu hành, vì không đi theo hướng độ sanh, cho nên chưa đạt đến thành quả của mười ba-la-mật theo Đại thừa. Còn Đại thừa tuy chưa đắc Thánh quả, nhưng vừa làm vừa có kinh nghiệm và rút kinh nghiệm gặt hái được để tiến tu giải thoát cho mình và cho người.
Muốn thực hiện hạnh Bồ-tát dù là quyền thừa thì cũng phải vững tâm. Vì vậy, trong khi hành đạo nếu chúng ta gặp khó khăn không vượt được, chúng ta trở về cương vị của mình để tu và rút kinh nghiệm để có đủ duyên thì tiếp tục làm nữa; đó là pháp tu tự hành hóa tha của tu sĩ Đại thừa, không phải làm liều mạng. Chướng ngại khó khăn thì ta chùn bước để vượt lên giống như cá hóa long cuối cùng cũng vượt được thác ghềnh.
Lộ trình của Bồ-tát thập trụ, điều quan trọng là chúng ta tu hành trụ tâm vững chắc ở Đại thừa, nghĩa là tin vững chắc rằng Đức Phật thành tựu quả vị Phật thì chúng ta tiếp bước Ngài tu hành cũng thành Phật, năm này chưa được thì năm sau được, kiếp này chưa được thì kiếp sau được, nhất định phải thành Phật, không thoái chuyển, có khó khăn thì chỉ tạm nghỉ để chuẩn bị đi tiếp là tu Đại thừa.
Và trụ tâm vững rồi, bước sang hạnh cứu giúp người là nương Bồ-tát lớn, vì chúng ta chỉ là Bồ-tát quyền thừa, nên phải nương vào người có năng lực thực sự là những hành giả kiểu mẫu như chư Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí, Địa Tạng, v.v… Chúng ta quán sát xem trên cuộc đời này ai là Quan Âm, ai là Phổ Hiền. Đầu tiên, chúng ta chọn Văn Thù làm thầy vì ngài tiêu biểu cho trí tuệ. Trong kinh Hoa nghiêm, Văn Thù xuất hiện. Sau khi Phật Niết-bàn, các Tỳ-kheo bơ vơ vì không có người chỉ đạo làm sao quyết định đúng; cho nên phải lấy trí tuệ tập thể tiêu biểu bằng sự hiện hữu của năm ngàn Tỳ-kheo ở chỗ Phật Niết-bàn, bấy giờ Văn Thù xuất hiện để giáo hóa năm ngàn Tỳ-kheo này.
Văn Thù Sư Lợi xuất hiện tại thành Câu Thy Na, nhưng không phải là Bồ-tát từ trên trời cỡi sư tử xuống; nếu nghĩ như vậy là mê tín. Bồ-tát Văn Thù cỡi sư tử là người tượng trưng, không phải người thật. Năm ngàn Tỳ-kheo được Văn Thù giáo hóa, nghĩa là Văn Thù tiêu biểu cho ngũ trí nghiêm thân, hay trí tuệ tập thể của năm ngàn Tỳ-kheo gọi là trí tuệ Văn Thù. Chúng ta phải hiểu như vậy. Văn Thù xuất hiện hay năm ngàn Tỳ-kheo hợp lại để hóa giải khó khăn, thấy được con đường Bồ-tát đạo. Con đường Bồ-tát đạo cho chúng ta cái gì?
Văn Thù nói rằng ngài phải qua Phước Thành để giáo hóa Thiện Tài đồng tử. Thực tế cho thấy hễ nói đến giáo hóa thì một số thầy cứ nhắm mắt giáo hóa, vì thế đã dẫn đến tình trạng tệ hại là đem ăn mày, ăn cướp vô chùa cho xuất gia, chắc chắn họ phá hại chùa tàn mạt. Một số trụ trì phạm sai lầm trầm trọng vì không lấy trí tuệ tập thể để hành đạo. Muốn hành Bồ-tát đạo, dạy Bồ-tát pháp, Văn Thù phải đi tới Phước Thành, nghĩa là tìm người có khả năng hiểu biết, có khả năng hành Bồ-tát pháp. Thể hiện ý này, Hòa thượng Trí Quang dạy tôi rằng người có khả năng hiểu biết thì ta mới truyền trao hiểu biết cho họ được, người có khả năng làm thì mới cho làm. Không phải ai cũng chỉ. Phải tìm người có phước, tìm người có trí tuệ.
Tại sao gọi là Phước Thành. Vì khi Thiện Tài sanh ra, những người tốt tự xuất hiện. Phật giáo hưng hay suy cũng vậy. Ai làm cho Phật giáo suy được. Khi Phật giáo Việt Nam hưng thì chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo, nhưng lại làm cho Phật giáo lên cao hơn. Khi Phật giáo suy sẽ gặp nhiều người xấu, tham lam, ích kỷ, phiền não… Văn Thù tới Phước Thành gặp Thiện Tài để dạy Thiện Tài Bồ-tát pháp. Đối với người muốn học, muốn tu, muốn làm, mới chỉ bày cho họ, đó là tinh thần Đại thừa.
Chúng ta nương vào trí tuệ tập thể chỉ đạo, vậy trí tuệ tập thể sanh ở chỗ nào? Thiền sư Kim Triệu ở Mỹ, tôi là giảng sư ở Việt Nam. Hai người trao đổi với nhau, thì tôi tăng thêm hiểu biết về Phật giáo ở Mỹ và vị Thiền sư này cũng tăng sự hiểu biết về Phật giáo Việt Nam. Hai hiểu biết này cộng lại thành kinh nghiệm có thể chia sẻ cho người khác. Thiền sư Kim Triệu nói ông dạy thiền cho người có tâm học thiền, nên lớp học đông nhất cũng chỉ có 70-80 người, nhưng họ học với tất cả niềm say mê, nên thiền đường hoàn toàn yên tĩnh. Vì vậy, độ một người đáng một người, còn tập hợp đông đôi khi phiền não phát sanh. Điều này giúp chúng ta cân nhắc khi mở rộng sinh hoạt tu hành.
Nếu chúng ta gặp các nhà sư Miến Điện, Thái Lan, Campuchia thì mỗi vị biết một việc. Gặp ngài Tep Vong, tôi biết được cách tu trong thời Phật giáo Campuchia bị pháp nạn là lúc Pôn Pốt cai trị, ông phải cởi y đi lao động, giả làm nông dân mới sống còn đến ngày nay. Tôi cũng có kinh nghiệm tu hành trong thời chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo. Còn Thiền sư Kim Triệu nói về kinh nghiệm sống tự do ở Mỹ là tự do có luật pháp. Ông cho biết chùa đăng ký khóa học thiền có 80 người, nhưng hôm đó đến 100 người tham dự thì cảnh sát giải tán, nghĩa là chùa vẫn phải tôn trọng luật pháp, không phải muốn làm gì cũng được.
Tôi có bạn hành đạo ở khắp nơi, mỗi người sống một cách thích nghi được lợi lạc và tổng hợp lại tất cả những việc làm đó cho tôi kinh nghiệm làm đạo mà tôi gọi là trí tuệ tập thể. Nếu suy nghĩ như vậy, anh em nên quan sát thực tế và vào thiền định quán sát mới không sai lầm, hay đỡ sai lầm. Vì sai lầm nào cũng phải trả giá đắt, thậm chí bị tù tội, cho đến mất mạng, mất một kiếp người là điều quan trọng chúng ta phải cân nhắc.
Qua pháp tu của thập hạnh Bồ-tát, chúng ta đã trụ tâm vững chắc, bấy giờ, ta hợp tác với Bồ-tát lớn, thấy Phổ Hiền thì học với ngài, thấy Quan Âm thì học với Quan Âm. Theo tôi, Bồ-tát Phổ Hiền tiêu biểu cho thế và lực. Làm đạo được là nhờ có thế và lực. Vì vậy, ngài Nhật Liên dạy tụng kinh Pháp hoa phải tụng phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát thứ 28 trước. Khi anh em dấn thân vào cuộc đời theo Phổ Hiền Bồ-tát là có vô số Bồ-tát thị tùng, có Thiên long Bát bộ hỗ trợ. Nếu không có người hợp tác đồng hạnh đồng nguyện, không có người ủng hộ, hành giả không thể nào làm được. Ngài Giác Chánh là Nhị tổ của hệ phái Khất sĩ cũng nói ý này rằng ngài sanh ra trong thời kỳ không có quốc vương hộ đạo là thời ông Diệm, lại bị đàn áp, hoàn toàn không có thế và lực, nghĩa là không có quần chúng và Nhà nước ủng hộ, nếu làm đạo sẽ tự hại mình.
Muốn có quần chúng và Nhà nước ủng hộ, phải tu thập hồi hướng. Thật vậy, Đức Phật Thích Ca phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp và một trăm kiếp hành Bồ-tát đạo mới có quyến thuộc. Ta chưa có quyến thuộc, phải tự xét coi ta có phải là Phổ Hiền hay không, tức có thế và lực hay không. Nếu không có thế và lực thì không làm theo Phổ Hiền được, chúng ta làm theo Quan Âm được không. Quan Âm luôn giấu bớt tài năng của mình, ngài xuất hiện như người thường. Vì xuất hiện như người phi thường dễ mất mạng, thực tế chúng ta thấy có người được vinh danh là Thánh thì bị người ta đưa lên giàn hỏa. Còn Bồ-tát Quan Âm thật lại xuất hiện như con người bình thường trong hoàn cảnh bình thường, nghĩa là Ngài thể hiện pháp nội bí ngoại hiện, tức giấu đi những thành quả cao quý của hạnh Bồ-tát, bên ngoài bình thường để khỏi ai ganh tỵ, tranh chấp với mình. Bồ-tát Quan Âm ẩn danh, nhưng coi chỗ nào làm được, Ngài xuất hiện, làm không được thì tránh. Phải xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ. Việc nào Quan Âm làm cũng được, từ vị trí cao tột là vua chúa cho đến làm trẻ con, đồng nam đồng nữ.
Hai Bồ-tát Phổ Hiền và Quan Âm là đối tượng mà tôi quán sát, đầu tiên tôi thấy hạnh Quan Âm dễ làm hơn. Ta có tài thật, nhưng ẩn thì tốt, vì đưa cái tài ra sẽ bị người dập chết, cổ nhân cũng đã nói chữ tài liền với chữ tai. Mai danh ẩn tích, chuẩn bị, chờ đúng lúc làm được thì làm. Anh em còn học phải chuẩn bị hành trang là tri thức và đạo đức để khi đủ duyên làm mới không thất bại.
Trên bước đường tự hành hóa tha, chúng ta vừa học vừa làm. Nếu thấy có Phổ Hiền xuất hiện, ta hợp tác. Không có Phổ Hiền, ta học hạnh Quan Âm, khi cần chúng ta làm, không cần thì chúng ta ở yên tu.
Bồ-tát Phổ Hiền có đầy đủ thế và lực là do thành tựu pháp thập hồi hướng. Mỗi ngày chúng ta đọc mười hạnh Phổ Hiền, hay tu mười hạnh này để kết thành quyến thuộc Bồ-đề và quyến thuộc này đông mới dễ hành đạo. Vì vậy, chúng ta theo Bồ-tát lớn để được làm bạn với nhiều người, họ sẽ hỗ trợ ta làm đạo. Thật vậy, thuở nhỏ, tôi hầu Hòa thượng Thiện Hoa và sau này được thân cận Hòa thượng Trí Thủ và Hòa thượng Thiện Hào. Đó là ba vị thầy mà tôi nương theo các ngài, học hạnh của các ngài giúp tôi thành tựu nhiều việc. Khi tôi hầu Hòa thượng Thiện Hoa, những thiện tri thức đến với ngài, nên họ biết tôi và tôi cũng học được nhiều điều khi Hòa thượng trao đổi với họ. Lớn lên, tôi được làm việc với Hòa thượng Trí Thủ. Ngài làm Viện trưởng Viện Hóa đạo, tôi làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, nhờ đó tôi có cơ hội học được với Hòa thượng nhiều bài học quan trọng không thể có ở nhà trường và cũng nhờ đó, tôi kết thân được một số quyến thuộc. Tôi là người miền Nam, nhưng nhờ theo ngài ra miền Trung, nên một số thầy miền Trung mới biết tôi và coi tôi là anh em. Khi đất nước được độc lập, Hòa thượng Thiện Hào từ chiến khu về. Nhờ làm việc với ngài mà các vị lãnh đạo Nhà nước biết tôi.
Nương các vị thiện tri thức để phát huy năng lực mình là tu thập hồi hướng. Có bao nhiêu công đức, chúng ta hồi hướng Vô thượng Bồ-đề để phát huy trí tuệ và hồi hướng Pháp giới chúng sanh để tăng thêm quyến thuộc Bồ-đề. Mỗi vị thiện tri thức có sở đắc ở một lãnh vực riêng để chúng ta theo học là tu thập hồi hướng.
Và khi tu hồi hướng xong, chúng ta bắt đầu ra làm việc, không nương vào thiện tri thức nữa, nhưng tự làm. Khi ba vị Hòa thượng mà tôi nương theo không còn hiện hữu, tôi phải tự quyết định là bước thứ hai. Khi tự mình quyết định là bước sang giai đoạn của Thánh vị, còn hợp tác với Thánh là ở giai đoạn Hiền vị. Khi tôi đảm nhận trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, tôi phải tự quyết định thì sự lãnh đạo này ví cho hàng thập Thánh từ thấp nhất cho đến cao nhất trải qua mười cấp bậc. Mới đăng địa Bồ-tát là sơ địa, tức Hoan hỷ địa. Hành đạo ở giai đoạn Hoan hỷ địa, hành giả phải ý thức sâu sắc rằng từ đây mình không còn ai để nương và bước chân vào đời lãnh đạo, vô số khó khăn sẽ tới với ta, nhưng phải luôn giữ tâm hoan hỷ là điều quan trọng nhất. Việc tốt, người tốt tới cũng có, nhưng việc xấu nhiều hơn, việc khó nhiều hơn, việc nghịch nhiều hơn thuận; đó là kinh nghiệm tôi muốn nhắc anh em. Khi bắt tay vào làm mới thấy, phải ráng giữ tâm hoan hỷ, nụ cười hoan hỷ giống Bồ-tát Di Lặc mới làm đạo được. Còn hở một chút là buồn là giận thì dùng vào đâu được. Phải mở rộng lòng mình, ai làm gì mình cũng tha thứ được. Tha thứ để chúng ta có người hợp tác, còn khó quá thì người ta sẽ bỏ mình, không làm được. Có người than với tôi rằng không làm được vì không thấy người nào tốt và cũng không muốn hợp tác với ai; như vậy thì kể như bỏ đi. Có được nụ cười hoan hỷ, tâm hoan hỷ chấp nhận được người xung quanh, từ từ cũng làm được.
Đăng địa Bồ-tát là bước thứ nhất phải trụ tâm hoan hỷ. Bồ-tát sơ địa lấy bố thí làm đầu, giúp người khác, thậm chí không có gì để cho thì ta có thể cho họ một tấm lòng, một lời khuyên cũng được, hay cho họ một niềm vui. Họ chế giễu mình để họ vui, mình cũng chấp nhận. Mình làm hề cho họ vui cũng được, tức tâm mình bao dung tất cả mọi người mà mình tiếp xúc. Đừng nghĩ cho mình, vì nghĩ cho mình thì họ cũng nghĩ cho họ. Bước chân vào đời, hay bước chân vào cửa Thánh, Phật dạy Bồ-tát sơ địa phải hoan hỷ và thường hiện thân làm tiểu vương, tức là người lãnh đạo phải biết nghĩ và sẵn lòng làm cho người khác, cho số đông.
Nuôi dưỡng căn lành 

Chủ đề Nuôi dưỡng căn lành gợi chúng ta nhớ đến kinh Pháp hoa,Phật dạy có bốn điều kiện để làm Phật, hay để có kinh Pháp hoa,. Một là phải có căn lành, nếu chưa có căn lành thì phải trồng căn lành, nếu có căn lành, phải nuôi căn lành cho lớn lên.
     Ngược lại căn lành là niệm ác. Người nhận lầm niệm ác là căn lành, tức đã nhận lầm giặc là con. Phạm sai lầm như thế, lúc mới phát tâm tu thì tâm mình tốt là căn lành, nhưng vì một thời gian đã nhận lầm căn lành khiến cho căn lành bị chết và niệm ác sanh ra mà tưởng là căn lành nên cứ tiếp tục nuôi nó.
     Niệm ác sanh là thế nào. Lúc ta mới phát tâm quy y đến chùa là căn lành mới bộc phát, nhưng lại gặp người đi trước rất xấu, họ là ma dẫn đường ta đi mà ta lại tưởng họ tốt, nên nghe theo và làm theo họ thì ta đã lạc vào thế giới ma. Bấy giờ, ta tụng kinh niệm Phật, nhưng tâm bên trong bị ma chi phối, đến chùa tập hợp nói chuyện sái quấy gây thêm phiền não. Phiền não nổi lên ngoài đời, ta nhờ đạo pháp dọn sạch; nhưng phiền não nổi lên trong đạo thì hơn thua phải trái làm căn lành chết, nên càng tu càng dữ, cuộc sống tệ thêm và chết vào địa ngục.
     Bồ-tát Quan Âm thương những người sai lầm, Ngài mới hiện thân vào Ta-bà nhằm gần gũi nhắc nhở chúng ta, thì Ngài hiện thân Thanh văn tu Tứ Thánh đế. Ngài là Bồ-tát nhưng tu Tứ Thánh đế để nuôi lớn căn lành cho người sai lầm. Những người khác càng tu càng sa sút, Quan Âm hiện làm người tu sống gần chúng ta, nhưng ta thấy họ không sa sút mà còn tốt hơn thì biết đó là Quan Âm hiện thân lại.
     Vì vậy, muốn nuôi lớn căn lành, chúng ta phải tìm thiện tri thức. Trên bước đường tu, từ thuở nhỏ tôi đã gặp được nhiều vị thiện tri thức và tôi quan sát thấy người tu đúng, cuộc đời họ luôn thăng hoa. Chúng ta cần gặp thiện tri thức là người tu đúng đạt được kết quả tốt đẹp mới nuôi lớn được căn lành của mình. Hòa thượng Viên Giác kể rằng ở quê có thầy tu không nói chuyện với ai, thấy nơi nào dụm năm dụm ba là ông tránh, vì tập hợp lại ban đầu nói chuyện tốt, nhưng sau đó họ nói chuyện bịa đặt. Vì thế, ông tránh xa đám đông và thường tụng kinh lạy Phật, ngồi một mình tham thiền. Nhờ vậy ông tạo được quyến thuộc Bồ-đề mà chúng ta không thấy được, nên ông ngồi tu một mình nhưng không cô đơn, không cần có bạn ác tâm sự. Ngồi yên nghĩ đến Đức Phật nào thì vị đó hộ niệm, nghĩ đến Bồ-tát nào thì vị đó tới làm bạn.
     Riêng tôi thích sống với người đã chết và thích sống đời sống cô độc ở trần gian, nhưng cần có pháp lữ là những vị cao tăng đắc đạo để chúng ta học được những tư tưởng lớn. Tôi thường trầm mình trong pho sách, làm bạn với tác giả là những người đắc đạo, nhờ đó căn lành của tôi từ từ lớn lên. Người mà căn lành tiêu mất thì thân khẩu ý của họ khởi lên nghiệp ác. Ý khởi nghiệp ác là muốn nhờ vả người để làm điều gì đó, nhưng việc không thành. Vì có nghiệp ác sẽ gặp nghiệp ác, nên luôn luôn có đối lập, phiền não sanh. Do ý ác khởi là tham lam, sân hận, ít ai dám gần, kèm theo si mê thì cho chuyện ác là phải. Những người như vậy, chúng ta không gần. Chỉ thân cận những pháp lữ chỉ lối đưa đường mà họ đã thành tựu pháp tu theo Phật để chúng ta phát triển trí tuệ và đạo hạnh của mình.
     Vì vậy, tôi thường tìm tri thức trong giấc mơ, trong sách vở, trong thiền định. Trong giấc mơ là thế nào? Lúc mới tu, không biết Phật, Bồ-tát, nhưng trong lòng ta muốn tìm Phật và ước mơ này mạnh mẽ đến độ khiến ta ngủ mơ thấy Phật. Nghĩ ác nhiều sẽ có ác mộng. Trong giấc mơ, chúng ta thấy Phật, được nghe pháp, đó là kết quả bước ban đầu mà người thực tu có được. Người có sở đắc nói với tôi rằng lúc ngủ, họ mơ thấy đi chùa, nghe pháp, thấy Phật. Theo tôi, người này đã trồng căn lành rồi, nên trong giấc mơ căn lành này mới hiện ra.
    Người tu bất đắc dĩ thì không bao giờ vui, lúc nào mặt cũng hầm hầm. Thầy này cho biết thường nằm mơ thấy đi chài lưới bắt cá và ăn mặn. Tôi khuyên thầy nên sám hối cho tiêu nghiệp ác; vì tu mà không thấy Phật, thấy ác mộng thì nguy hiểm. Có thể hiểu rằng chúng ta đã đưa vào tiềm thức từ thời xa xưa những hạt giống lành, nên từ trong giấc mơ mới thấy được việc quá khứ gần cho đến quá khứ xa. Đức Phật chứng được Túc mạng minh là Ngài nhớ lại tất cả quá khứ của nhiều kiếp xa xưa.
     Những gì xuất hiện trong giấc mơ vì tiềm thức của chúng ta đã chứa sẵn đầy đủ những hạt giống thiện và ác, nó mới hiện lên; nếu chúng ta huân tập nhiều hạt giống ác, chắc chắn cái ác này hiện ra. Chúng ta thấy trong giấc mơ, nhưng tỉnh dậy, ta coi giấc mơ đó có phù hợp với thực tế hay không, vì giấc mơ có thể là ảo giác do chúng ta tưởng tượng nhiều. Giấc mơ có thể là hiện thực nếu đúng với thực tế. Thí dụ Thánh Đề Bà mơ thấy tên Bà-la-môn đâm ngài và thực tế cũng xảy ra đúng như vậy, ngài bị họ giết chết, nhưng ngài là Thánh đắc đạo, nên đối với ngài việc đó bình thường, là cái quả phải trả, vì kiếp trước có thể ngài từng giết người. Ngài thấu tỏ nhân quả, nên bị đâm chết, nhưng ngài không sân hận, còn đưa chiếc y cho tên này quàng vào để thoát khỏi tu viện, không bị bắt.
     Theo kinh nghiệm của riêng tôi, trong giấc mơ thấy điềm không lành xảy ra, hôm sau tôi cân nhắc để tránh được tai họa trên bước đường hành đạo. Ngược lại, giấc mơ thấy điềm lành như tôi thấy có người thỉnh thuyết pháp, quả tình thực tế cũng có người thỉnh như vậy là giấc mơ trùng hợp với thực tế, thì tôi nhận lời đi giảng.
     Phật dạy chúng ta trồng căn lành ở Phật, Bồ-tát trước và bước thứ hai có căn lành rồi, chúng ta nuôi dưỡng căn lành bằng cách thường nghĩ đến Phật, đến Bồ-tát, đến pháp và hành trạng của các Ngài. Nghĩ để nuôi lớn mối quan hệ của ta với Phật và Bồ-tát để tạo thành thế giới tâm linh. Người có căn lành sống với thế giới tâm linh nhiều hơn để nuôi lớn hạt giống lành trong tiềm thức của mình và tu như vậy, thực tế sẽ hiện ra tốt đẹp. Thật vậy, từ trong giấc mơ kết nối được với Phật và Bồ-tát thì thực tế cuộc sống của chúng ta sẽ có được thiện tri thức giúp đỡ. Nếu bước đầu tu hành không tập nuôi hạt giống lành thì đi chùa dễ trở thành người nhiều chuyện và chung quanh họ cũng toàn người xấu, mà người xấu thì luôn tranh cãi nhau.
     Quan Âm Bồ-tát hiện thân làm người, nếu ta tu hạnh Thanh văn, Ngài sẽ hiện làm người bạn đồng tu với chúng ta để dạy những pháp lành và chúng ta thấy họ được kết quả tốt, chúng ta cũng nương theo. Được như vậy, tôi nghĩ ngay đến Bồ-tát Quan Âm. Có một thầy tu đặc biệt, ông nhận đồ cúng dường rồi liền bố thí lại cho người. Ông này hạn chế tối đa việc ăn mặc ở, nhưng có sức khỏe tốt, ăn đơn sơ, mặc khiêm tốn khiến các thầy khác nhận ra rằng không phải ăn nhiều mà khỏe, nhưng còn cái gì cao quý bên trong. Một hôm, ông nói rằng các thầy ở lại ráng tu, ngày mai tôi về Phật. Đúng ngày mai, ông đắp y lên chánh điện ngồi và nhẹ nhàng ra đi. Nét đẹp này làm người thấy được phát tâm tu, đó là Bồ-tát hiện thân Thanh văn tu Tứ Thánh đế. Riêng tôi gặp Hòa thượng Quảng Đức, ngài cho biết đã trì kinh Pháp hoa trong suốt 49 năm. Theo tôi, không phải đem kinh Pháp hoa tụng suốt 49 năm là trì kinh. 49 năm trì kinh Pháp hoa nghĩa là 49 năm ngài tu hành thâm nhập yếu nghĩa của kinh Pháp hoa. Kinh này Phật dạy Bồ-tát làm thế nào thì ngài làm theo. Có người tụng một ngày một bộ kinh Pháp hoa, hay lạy từng chữ trong kinh, như vậy cũng tốt, nhưng lạy rồi thì lại khởi lên niềm hãnh diện mình đã lạy được kinh. Hòa thượng Quảng Đức không phải như vậy, nhưng ngài xem trong kinh Phật dạy thế nào để theo đó hành xử. Vì vậy, kinhPháp hoa đã thể hiện trong cuộc sống của ngài. Trong 49 năm Hòa thượng Quảng Đức trì kinh, ngài đã xây dựng rất nhiều ngôi chùa. Như vậy, chúng ta có thể hiểu xây chùa là trì kinh Pháp hoa hay không. Hòa thượng đến nơi nào, người trông thấy ngài thì liền phát tâm. Hòa thượng ở trong khu rừng, người theo ngài tu không có chỗ ở, nên người ta tự xây nhà và nơi này đã trở thành chùa, không phải ngài quyên góp tiền để xây chùa. 49 năm trì kinh Pháp hoa, ngài đi suốt mọi miền đất nước, đến đâu cũng cảm hóa người phát tâm. Năm 1963, ngài tự thiêu. Năm 2013, kỷ niệm 50 năm Hòa thượng tự thiêu. Ngài đốt nhục thân khiến tôi và nhiều người phát tâm, vì thấy ngài cao cả quá, nghĩ rằng bên trong ngài ẩn chứa điều gì cao thượng, nên chúng ta tìm bí ẩn bên trong ngài. Theo tôi, Hòa thượng Quảng Đức là hiện thân của Bồ-tát Quan Âm.
     Trên bước đường tu, nhờ may mắn gặp được thiện tri thức tu có kết quả làm ta phát tâm. Nếu không may mắn gặp người xấu, ta liền khởi ý niệm ác. Gặp người tu lâu nhưng kết quả không ra sao làm chúng ta sợ, không muốn tu. Chúng ta phải nhận biết rằng họ tu sai pháp, nên tâm phiền não, thân tàn ma dại.
     Trong giấc mơ, chúng ta thấy và thực tế chúng ta kiểm chứng thấy đúng, đó là Phật, Bồ-tát. Còn gặp ác ma, chúng ta tránh để nuôi lớn căn lành, vì sợ nó tác động làm chúng ta thối tâm, mất căn lành, nhất là những người mới tu, căn lành còn non nớt dễ gặp ác ma, tức thầy tà bạn ác làm thối tâm. Vì vậy, có người quy y, một khoảng thời gian ông thầy hoàn tục, chắc chắn họ sẽ không tu.
     Phật tử cần ý thức rằng quy y Tam bảo tự nhận là con của Phật, sống với Chánh pháp và hội họp với chúng Tăng hòa hợp để tu. Đừng nhận lầm theo ông thầy hư hỏng. Quy y Tăng là theo sự hòa hợp. Người nào sống đúng tinh thần hòa hợp trong Chánh pháp thì chúng ta tôn trọng, họ không là thầy cũng là bạn. Nuôi lớn căn lành nhờ làm bạn với Bồ-tát vô hình và hữu hình. Chúng ta đọc thấy Bồ-tát vô hình trong kinh rồi suy nghĩ ra hạnh của họ và quan sát cuộc sống xem ai có hạnh giống Bồ-tát trong kinh. Tôi đọc kinh Pháp hoa nghe Phật nói Trì Địa Bồ-tát chuyên bắc cầu đắp đường được Phật khen ngợi là công phu đệ nhất. Người tụng kinh ngồi thiền có công phu, nhưng ngài Trì Địa đem công phu vào lợi ích lâu dài.
     Khi chúng ta tụng kinh là công phu, nhưng miệng tụng mà ý nghĩ khác là không có công phu mà là phá pháp thì tu càng đi xuống, vì tâm là chủ, nhưng tâm hư thì miệng tụng kinh cũng vô ích, mỗi ngày tụng kinh nhưng bị đọa. Còn đối với Trì Địa, việc đắp đường là tu. Hạnh Cơ Bồ-tát của Nhật Bản là người thật và Trì Địa Bồ-tát là người trong kinh. Hạnh Cơ không tụng kinh lạy Phật, nhưng ngày nào ông cũng bắc cầu đắp đường và trong tâm luôn giữ sáu niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, tức niệm đạo đức, niệm thí, tức niệm giúp đỡ và niệm thiên là niệm xả, không chấp việc làm. Việc làm của ông chỉ nhắm vô sáu điều này gọi là công phu. Riêng tôi làm gì cũng nghĩ vì Phật mà làm, làm để cúng dường Phật, hy sinh cho Phật. Thầy đắp đường bắc cầu vì Phật mà làm, nên việc làm của ông gắn liền với Phật khiến người dân đi qua con đường này đều nghĩ tới Phật, nghĩa là ông đã làm cho người phát tâm. Đệ tử của Phật làm lợi ích cho đời, nên người được hưởng phải nghĩ đến Phật. Ngoài ra, ngài niệm Pháp là để tâm hết lòng làm việc lợi ích để rửa sạch việc ác, vì pháp Phật nhằm rửa sạch phiền não trần lao nghiệp chướng. Còn tụng kinh nhưng phiền não là phá pháp. Niệm Tăng là hòa hợp với tất cả mọi người, nhất là những người đồng sự. Vì vậy, mọi người hợp tác cùng làm với ngài đều vì lợi ích chung. Thứ tư là niệm giới, nghĩa là ngài làm vì lợi ích cho nhiều người, nên ngài trở thành người đức hạnh khiến người kính trọng. Tu rèn đức hạnh, dù được nhiều người kính trọng, nhưng không lấy đó hãnh diện. Còn người đền ơn mà chúng ta nhận là xong. Niệm đạo đức là phải giữ mình trong sáng, vì vậy chúng ta làm nhiều nhưng đừng kẹt việc. Thứ năm là niệm thí, ta làm tất cả để hồi hướng Pháp giới chúng sanh. Người đi qua con đường này, cây cầu này đều nhận ơn của ta, còn cho người ăn xin thì chỉ được lợi ích nhứt thời. Việc đắp đường mỗi ngày có người đi qua đều thọ ơn và mỗi ngày con đường có thể tốt thêm, thì công đức chúng ta sanh ra, nên được Phật khen ngợi là công phu đệ nhất. Việc làm được người quý trọng là biết công đức chúng ta lớn. Làm nhiều nhưng không ai nể là không có công đức. Người làm bình thường hay không làm, nhưng người quý trọng là thuộc về vô tác diệu lực nuôi lớn căn lành và được như vậy, họ không cần làm mà việc tự tốt. Kết quả cao tột này của người tu được vua Tống Nhân Tông ca ngợi là "Bang bang như ý, chủng chủng hiện thành”. Điển hình như Hòa thượng Trí Tịnh làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự trên 30 năm, sáu nhiệm kỳ, nhưng ngài không ra khỏi thiền thất, mà thành quả Giáo hội chúng ta có được là nhờ ngài. Quan sát kỹ chúng ta thấy có người không làm, nhưng không có họ không được, thiếu họ là mất tất cả. Người bình thường làm thì được quý trọng, không làm thì không ai nhớ đến nữa. Tệ hơn, có người làm chết xác mà không được gì, cuối cùng thân tàn ma dại là đi vào con đường ma.
     Tóm lại, đi trên lộ trình Phật đạo, chúng ta nghĩ và làm theo Phật và Bồ-tát để nuôi lớn căn lành của mình, cuối cùng không làm nhưng được người quý trọng là căn lành đã đầy đủ. Cầu Phật gia hộ cho quý vị nuôi lớn căn lành của mình trên bước đường cầu đạo giác ngộ giải thoát.

Hạnh Sa-môn






HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
  


   Mỗi năm tôi tới thăm trường hạ này và trao đổi kinh nghiệm an cư. Tuy nhiên, năm nay tuổi tôi đã lớn, sức khỏe không cho phép, nhưng ba tịnh xá của hệ phái Khất sĩ tổ chức an cư và tập trung về đây nghe pháp, nên tôi nhận lời đến thăm và chia sẻ kinh nghiệm tu hành với quý Tăng Ni.
     Quý vị biết tôi chuyên tu theo kinh Pháp hoa và thêm hai bộ kinh là Hoa nghiêm và Bát-nhã. Vì vậy, tôi sống và hành đạo trên tinh thần của ba bộ kinh Đại thừa này, nhưng khi nghiên cứu và ứng dụng trong cuộc sống, tôi thấy giáo lý Phật có sự xuyên suốt từ bậc thấp nhất đến cao nhất, nên gọi là nhứt Phật thừa. Theo tôi, chúng ta chia tông phái, pháp môn đại tiểu là không đúng, vì chỉ có một pháp môn duy nhất là thành Phật. Tất cả chúng ta tu hành đều có mục tiêu cao nhất là hướng đến thành Phật, nhưng trong nhứt thời không thành Phật được, vì căn tánh, hành nghiệp khác nhau. Từ đó, Phật chia ra tam thừa giáo là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát; nhưng chia như vậy vẫn chưa đủ, nên thêm hai thừa nữa là nhân thừa và thiên thừa.
     Chúng ta bắt đầu tu từ con người và phát huy phước đức để trở thành chư Thiên. Từ vị trí chư Thiên, chúng ta xả tục xuất gia làm Sa-môn, từ Sa-môn tiến lên bậc trí giả là Duyên giác và tiến lên kế cận Phật là Bồ-tát. Đó là con đường xuyên suốt qua năm chặng đường tu từ người lên chư Thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Tuy nhiên, ta phải xác định được vị trí của mình mới tu lên được. Thực tế cho thấy có người tu, nhưng không tiến bộ hay bị sụp đổ, vì không thấy chỗ đứng của mình, nhận lầm chỗ đứng của người khác, mặc áo Sa-môn nhưng thực chất không phải là Sa-môn. Đầu tiên mới thọ giới, đắp y, ta mới có tướng Sa-môn và từ đó chúng ta cần khắc phục, trau dồi cho thành hạnh Sa-môn, vì không có hạnh Sa-môn, việc tu hành phải bị gãy đổ.
     Vì vậy, phát tâm xuất gia, học đạo, thọ giới Sa-di cho đến Cụ túc, Hòa thượng thường nhắc nhở chúng ta phải tu cho thành hạnh Sa-môn. Còn Phật khuyên ban đầu phải tu chứng quả vị La-hán. Nhưng phần lớn chúng ta không làm tròn hạnh Sa-môn, không đắc Thánh quả, lại nóng vội đi giáo hóa chúng sanh, làm chúng sanh phiền não và bị chúng sanh giáo hóa ngược lại, nên đọa. Quý vị cần suy nghĩ ý này.
     Tôi kính trọng Tổ Minh Đăng Quang, gần như một đời ngài dành thì giờ cho việc tu học nhiều hơn, còn giáo hóa ít, nhưng ngài chỉ giáo hóa người có duyên; đó là điều quan trọng theo Phật dạy. Thật vậy, Phật dạy đắc La-hán rồi mới giáo hóa chúng sanh. Kinh Nguyên thủyghi rằng tại Lộc Uyển, Phật giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như trước và Ngài bảo năm anh em Kiều Trần Như ở nhà chuyên tu. Tu gì? Phật bảo diệt sạch phiền não, lắng lòng thanh tịnh là bước một nhập Không môn, tức việc đời loại khỏi tai và khỏi tâm chúng ta để không vướng bận việc đời. Nhưng nhiều khi chúng ta phạm sai lầm, mặc áo Phật ở chùa, lại bàn việc đời là làm sai lời Phật dạy; đem việc đời vào lòng nên một thời gian lòng chúng ta toàn phiền não nghiệp chướng trần lao. Thậm chí Phật không cho khất thực, vì Phật dạy không phải vì ăn mà khất thực. Vì đói mà xin ăn là ăn mày thực sự, không phải Sa-môn. Phật nói nếu các thầy đói thì ngồi đó tu, Như Lai đi xin chia cho năm thầy Tỳ-kheo cùng ăn. Phật dạy rằng có ít ăn ít. Điều này chúng ta học theo gọi là tri túc, ăn ít ngủ ít, tiêu xài ít tốn kém để chúng ta được giải thoát.
     Đức Phật khất thực được bao nhiêu thì chia cho năm thầy cùng ăn. Ăn ít, trí tuệ phát sanh; hai điều này tỷ lệ nghịch với nhau. Theo kinh nghiệm tôi, ăn nhiều ngủ nhiều, nhưng ăn ít tự nhiên ngủ ít; lấy pháp làm thức ăn, lấy thiền thay cho ngủ. Ta thấy bạn đồng tu nào ăn pháp nhiều hơn thức ăn là đắc đạo, vì trí tuệ sanh ra. Thời kỳ tôi còn là học Tăng ham học đến quên ăn, nên hiểu được ý nghĩa ăn pháp. Phật dạy có hai thức ăn chính của người tu là thiền duyệt thực và pháp hỷ thực. Nguồn sống của chúng ta chỉ là Thiền và pháp. Vì vậy, Tỳ-kheo nào ăn nhiều ngủ nhiều không thể tiến tu đạo nghiệp.
     Phật không cho khất thực vì chưa thành hạnh Tỳ-kheo. Tu cho thành hạnh Tỳ-kheo, hay đắc La-hán, tức làm sao đạt được Bát Chánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm, chánh định, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn. Lúc nào ta cũng đặt mục tiêu này đạt cho được. Trước nhất là chánh kiến, tức cái thấy của chúng ta có chính xác hay không. Thấy không chính xác, thấy ma tưởng Phật, thấy xấu tưởng tốt sẽ bị mắc lầm, rất nguy hiểm. Truyện Tây du ký cũng gợi ý này. Ngài Huyền Trang quyết chí tu hành, nhưng đôi khi nhận lầm ma, nhận trái là phải. Vì vậy, quý vị nên luôn luôn lắng lòng thanh tịnh để nhìn đời qua lăng kính Phật pháp, thấy theo cách thấy của Phật, không thấy theo thế gian. Trung Hoa có câu châm ngôn rằng bắt đầu tu thấy núi không phải là núi, thấy sông không phải là sông. Nghĩa là người tu nhìn đời tất cả đều hoàn không, cuộc đời này không có gì hấp dẫn. Người đời thấy đẹp nên ham mới chạy theo là lao vào sanh tử. Tổ diễn tả ý này là "Trục sắc thanh nhi tham nhiễm, thập triền thập sử tích thành hữu lậu chi nhơn, lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội, mê luân khổ hải thâm nịch tà đồ…”. Chúng ta chết là buông tất cả. Mạng sống của chúng ta bị giới hạn trong hơi thở, thở ra mà không hít hơi thở vào được là chấm dứt cuộc sống. Ý thức mạng sống mong manh như vậy, chúng ta cố gắng đạt Thánh quả trước khi chết.
     Nhập Không môn, lắng lòng thanh tịnh để lòng trống không, không còn gì khởi lên từ vô minh, vì biết rằng tất cả khởi niệm từ ham muốn, si mê sẽ dẫn chúng ta vào con đường tội lỗi. Có hai nguồn khởi lên, một là từ tâm thanh tịnh khởi lên, đó là chơn như duyên khởi; hai là từ A-lại-da thức khởi lên gọi là A-lại-da duyên khởi. Bắt đầu tu, hàng ngày chúng ta phải cắt vọng duyên là cắt những điều khởi lên từ A-lại-da thức để thâm nhập pháp Không. Phải thể nghiệm như vậy, không phải tu pháp Không là Không suông, bị mất gốc. Cái gì khởi lên thì ta cắt ngay. Tôi kinh nghiệm pháp này. Khi ngồi yên, ta thường nhớ điều này điều nọ, nhớ việc của kiếp này là nhớ lại từ thuở nhỏ cho đến lúc đi tu xảy ra những gì và bạn bè đối xử với mình như thế nào, v.v…, những khởi niệm như vậy là từ A-lại-da duyên khởi bùng lên thuộc về vọng nghiệp, đưa chúng ta vào sanh tử. Nhận thức rõ lý này, chúng ta cắt bỏ vọng nghiệp cho đến khi tâm thanh tịnh được Trí Giả đại sư ví như cái áo phải giặt sạch mới nhuộm màu đạo được. Tâm thanh tịnh mới thấy Phật và nghe pháp được. Tâm không thanh tịnh chỉ nghe ngôn ngữ, không nghe được pháp. Pháp là gì? Pháp là chân thật, hay vô tự chân kinh, không bằng ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ đạo đoạn. Chỉ còn tâm hướng về Phật, nên Phật gia bị, tâm sáng lên, đó là pháp.
     Hòa thượng Trí Tịnh không ra khỏi thiền thất, vì ở trong thiền thất để giữ tâm thanh tịnh mới an. Tôi đi hoằng pháp, Hòa thượng cũng nhắc nhở tôi an trú trong tâm thanh tịnh, để tâm chạy ra ngoài sẽ bị bất an. Hòa thượng làm Chủ tịch ba mươi năm nhưng ngài không đi vì e ngại nghiệp khởi. Trong tiềm thức của mỗi chúng ta đều có hạt giống xấu và nó sẽ dễ dàng khởi lên rất nhanh. Hòa thượng dạy rằng khi nào suy nghĩ để giải quyết việc thì may lắm là đúng được một nửa. Nhưng nếu không suy nghĩ, mà từ tâm chơn như thanh tịnh khởi lên thì đáp án chính xác đến 70%, bấy giờ nếu đối tượng là ma thì ta biết là ma, Phật thì ta biết là Phật, không bị mắc lừa. Còn nghe âm thanh, thấy hình dáng bên ngoài sẽ có vô số tội lỗi đi kèm, khiến ta mê lầm.
     Từ tâm thanh tịnh hành đạo mới không bị gạt. Vì vậy, Phật khuyên người đắc La-hán mới có thể giáo hóa chúng sanh, chưa đắc Thánh quả mà giáo hóa chúng sanh là mắc nạn. Bồ-tát thị hiện làm Thanh văn thì không đắc đạo mà giáo hóa được chúng sanh, nhưng cũng phải nhớ rằng chỉ giáo hóa được chúng sanh hữu duyên thôi. Ngay như Phật còn chỉ giáo hóa người có duyên với Ngài. Trong thiền định hay từ tâm chơn như, Phật thấy người có duyên, Ngài đến giáo hóa họ. Phật giáo hóa không bỏ ai, kể cả người hốt phân là Sunita; nhưng Phật chỉ giáo hóa được một ông Sunita hốt phân, còn các người hốt phân khác, Ngài không giáo hóa được. Các vị chân tu trong quá khứ đã đắc đạo, nhưng vì phạm sai lầm nên phải trả quả báo của đời trước. Sunita đời trước đã đắc La-hán, nhưng phạm sai lầm, nên đời này phải gánh phân. Vì vậy, Đức Phật đến lột bỏ cái nghiệp này xuống thì ông Thánh bên trong Sunita hiện ra. Điều này đơn giản, nhưng phải cân nhắc, nhiều khi vì "ngu đột xuất” nên phải trả giá cho cái sai lầm của mình. Sunita tu hạnh Thanh văn làm Sa-môn, làm thầy thì các vị Bồ-tát hiện thân lại cuộc đời để trợ hóa. Họ đóng vai làm vua, làm tướng, làm trưởng giả để trợ hóa ông, nhưng ông không biết. Nhận thức sâu sắc điều này, Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng ngài không dám dự trai tăng, vì e sợ có nhiều vị quỳ lạy là Bồ-tát phát tâm trợ hóa. Đạo lực của các ngài cao hơn đạo lực của ta, nhưng các ngài thị hiện lại đóng vai cư sĩ là vua chúa, trưởng giả… Hòa thượng Trí Thủ lúc sanh tiền có kể rằng cụ Lê Đình Thám dạy các Hòa thượng, nhưng lại đảnh lễ chư Tăng trước rồi mới dạy, vì nghĩ rằng hình thức Tăng-già rất quan trọng để giúp cho Phật pháp tồn tại lâu dài, nên cụ kính ngưỡng Tăng. Vì vậy, Hòa thượng Trí Thủ coi ông Lê Đình Thám là Bồ-tát hiện thân lại giúp chư Tăng phát triển trí tuệ. Thật vậy, nhờ ông này mà phong trào học Phật pháp của chư Tăng được phát triển cho đến thành lập trường học dạy chư Tăng. Các bậc tu hành có trí tuệ thấy được các vị Bồ-tát trợ hóa, nhưng ta chưa đắc La-hán, nên ta không thấy. Riêng tôi chưa đắc La-hán cũng chưa thấy được các Bồ-tát hiện thân lại để trợ hóa người tu, nhưng bằng niềm tin, tôi coi những người trợ hóa giúp tôi là những người đồng hạnh nguyện với tôi trên lộ trình Bồ-tát đạo, nên tôi quý trọng họ.
    Hòa thượng Giác Chánh không đi hoằng hóa. Ngài nói không thể hoằng pháp được vì chưa có quốc vương, vương tử, tể quan cư sĩ hiện thân ủng hộ thì không thể làm được. Thật vậy, ta muốn làm gì cũng phải có người ủng hộ. Thí dụ các sư muốn lên Đắk Lắk cất chùa phải coi ông Bí thư tỉnh ủy, hay ông Chủ tịch huyện, tỉnh, hoặc ông Giám đốc công an có ủng hộ ta hay không. Tôi đi giảng pháp thường lắng lòng thanh tịnh để quan sát các nhà lãnh đạo làm gì. Nếu họ không tin Phật, họ là người ngoại đạo thì tôi không đi đến đó; vì chỗ không có người ủng hộ ta thì sẽ gặp nguy hiểm, hoặc có người chống phá mà ta đến là đút đầu vào cái chết. Lịch sử cho thấy Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất, nhưng chỉ chút sai lầm mà bị nhóm ngoại đạo lõa thể đánh chết. Ngài có thần thông làm vua, trưởng giả phát tâm, nhưng không độ được bà bán bánh ướt, vì ngài vận thần thông cho đá bay làm hư rổ bánh của bà.
    Chúng ta lắng lòng thanh tịnh có cái nhìn chính xác thấy được đối tác của ta ở đâu, họ là ai, họ cần chúng ta điều gì thì theo đó mà giáo hóa. Theo ngài Nhật Liên, thấy chính xác bốn điều là giáo, cơ, thời, quốc. Giáo lý có vô số phương tiện và Đức Phật đã dùng vô số phương tiện để giáo hóa chúng sanh làm lợi ích cho người. Nếu nói giáo lý mà người nghe không thực hành theo được, không được lợi ích thì chỉ là danh tự Pháp sư nói nhiều nhưng không ai giải thoát. Kinh Bát-nhã đưa ra sáu pháp ba-la-mật, nhưng kinh Hoa nghiêmnói thêm có mười pháp ba-la-mật, trong đó có phương tiện ba-la-mật. Nói đến phương tiện ba-la-mật thì phải nói đến Tha Hóa Tự Tại Thiên. Vị Trời này mới có được phương tiện ba-la-mật, nên đến đâu cũng tự tại, vì ông biết người nghĩ gì, muốn gì, làm được gì, thì ông nói điều họ muốn, họ nghĩ mới dạy được họ.
    Ngoài phương tiện huệ, còn có chân thật trí. Chân thật trí nghĩa là thấy chính xác, không sai lầm, hay đó là cái thấy của Phật hoàn toàn đúng như thật khi Ngài đắc đạo, nhưng nếu nói ra chân lý ấy thì chúng sanh không thể tiếp thu được, không chấp nhận được, họ sẽ bị đọa. Vì vậy, Phật định nhập Niết-bàn khi cái hiểu, cái thấy của Ngài không truyền trao cho ai được. Cũng vậy, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đi khắp Ấn Độ tìm người tri kỷ để truyền pháp, nhưng không có. Ngài phải sang Trung Quốc và ngồi chín năm lặng thinh, may mắn có Huệ Khả tới cầu pháp thì Tổ Đạt Ma mới Niết-bàn.
    Tìm người tri kỷ để chia sẻ rất khó. Sở đắc của các bậc Thánh không chia cho chúng ta được, nhưng Phật thương xót chúng sanh, Ngài bày ra phương tiện nghĩa là những cái mà chúng ta làm được, đó là cạo đầu đi tu, ăn chay, còn làm Phật, làm Tổ thì không cách nào chỉ chúng ta được. Vì sự khó khăn đó, cho nên phải thành tựu quả La-hán, tức có đầy đủ Bát chánh đạo thì việc giáo hóa chúng sanh chắc chắn dễ dàng, hoặc người thành tựu hạnh Sa-môn, người trông thấy sanh tâm kính trọng, nên việc cảm hóa họ cũng nhẹ nhàng. Có bốn tướng là đi đứng nằm ngồi theo kiểu Sa-môn. Ngài Trí Giả thêm vào hai tướng nữa là ăn và thuyết pháp.
    Thuyết pháp cũng là hạnh Sa-môn. Nhiều thầy thuyết pháp quên hạnh Sa-môn, nên cũng cười giỡn là sai. Có hạnh Sa-môn khi thuyết pháp thì người nhìn thấy ta là Pháp sư, không phải là ông hề. Thuở còn trẻ, tôi thấy có thầy thuyết pháp vừa ca giỡn, nói tiếu lâm, người ta vỗ tay. Nhưng sau nghiên cứu Thiên Thai tông, tôi thấy thuyết pháp như vậy là mất hạnh Sa-môn, lúc đó trở thành người hề, làm cư sĩ đem vui cho người. Ngài Trí Giả dạy rằng người thuyết pháp không cho cái vui đó. Ngài thuyết pháp suốt ba tháng an cư chỉ nói ý nghĩa thâm diệu của chữ Diệu để giúp cho người nghe thâm nhập huệ Như Lai không thấy chán. Nói vui theo thế tục là kéo họ về thế tục.
    Ăn theo hạnh Sa-môn thì hành giả của phái Khất sĩ cũng giữ hạnh này. Hạnh Sa-môn là việc thọ thực, kinh hành, ngồi thiền hay thuyết pháp đều làm cho người phát tâm. Tôi thấy các thiền sư ngồi an nhiên thanh thoát cũng phát tâm. Ngày xưa quy định sau khi thọ giới ít nhất năm năm phải hiện sáu tướng giải thoát của Sa-môn. Bổn sư thấy đệ tử tròn hạnh Sa-môn như vậy mới cho đi vân thủy ba năm. Vân là mây, thủy là nước. Mây cũng là nước, nước cũng là mây. Trong suốt ba năm đi vân thủy mà không ai ngăn cản được ta và ta cũng không gây trở ngại việc của người, đó là đi kiểu mây bay ngang núi, nhưng núi không cản được mây và mây cũng không làm hư núi. Đi theo hạnh Tỳ-kheo như vậy thì không làm trở ngại cuộc đời. Thủy là nước có khả năng len vào lòng đất. Tỳ-kheo đi khất thực thanh tịnh, người thấy thì họ hướng thiện, tu hành được giải thoát. Thuở nhỏ tôi đi khất thực. Thầy dạy muốn ăn chuối thì đến hàng chuối, muốn ăn xôi thì đến hàng xôi, đứng đó, đừng nói gì, chứ không dạy hạnh Tỳ-kheo.
    Sau khi thọ giới năm năm sống với thầy, học cho được hạnh Tỳ-kheo và sau ba năm đi vân thủy để tập sự thể nghiệm hạnh Tỳ-kheo trong cuộc đời rồi trở về gặp thầy. Bấy giờ thầy ấn chứng cho đệ tử có đủ tư cách cất tịnh xá. Chưa thành hạnh Tỳ-kheo mà nóng vội cất chùa, độ người, e rằng sẽ bị người độ lại.
     Tôi mong rằng quý vị suy nghĩ lời Phật dạy về hạnh Sa-môn để đạt được phước đức trí tuệ, đóng góp được lợi ích cho đạo pháp

Giá trị của Niết bàn

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
  




   Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài tìm ra giá trị thực của cuộc sống, nhưng Ngài không thể truyền trao giá trị thực đó cho mọi người vì tất cả mọi người còn đang kẹt trong sinh tử và khổ đau, nên không thể nhận được ý nghĩa của Niết-bàn. Vì vậy, Đức Phật nghĩ đến diệt độ, nghĩa là sống với Niết-bàn của Ngài; nhưng bấy giờ Ngài được mười phương Phật và Phạm Thiên thỉnh thuyết pháp. Đức Phật mới đến Lộc Uyển chuyển pháp luân, giảng bốn chân lý, trong đó có hai phần nói về thế giới khổ đau và hai phần nói về an lạc của Niết-bàn. Có thể nói rằng những điều Phật giảng ở Lộc Uyển chưa phải là pháp chân thật, dù chúng ta gọi đó là Tứ Thánh đế, hay Bốn chân lý, vì theo tinh thần Đại thừa, Phật dạy rằng chân lý không thể nói được, mà những gì nói được chỉ là pháp phương tiện, không phải là chân lý.
     Thật vậy, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng duy Phật dữ Phật nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng; nghĩa là chỉ có Phật mới hiểu được thật tướng các pháp và giá trị của Niết-bàn, còn hàng Bồ-tát, Thanh văn, Bích chi Phật cũng chưa hiểu được giá trị thực của Niết-bàn.
     Hôm nay chúng ta bàn về giá trị thực của Niết-bàn, thì chúng ta nghĩ rằng mình không thể hiểu được điều này, vì có uống nước mới biết nước nóng hay lạnh đến mức độ nào. Niết-bàn của chư Phật chỉ có Phật mới biết, còn chúng ta không hiểu được; nhưng từng bước thực tập pháp Phật, thì từ địa ngục đến quả vị La-hán, chúng ta cũng nhận được giá trị của Niết-bàn và giá trị này của Niết-bàn là giá trị mà chúng ta nhận được từng phần, chứ không phải là chân lý, không phải là giá trị thực. Vì khi Phật chuyển pháp luân ở Lộc Uyển, Ngài muốn chúng ta nhận ra cuộc sống con người trong sinh tử là khổ đau và Ngài chỉ ra con đường đưa đến khổ đau; cho nên khi Phật triển khai khổ đau, tất cả mọi người đều nhận ra cuộc sống này quả là khổ đau.
     Tại sao chúng ta khổ đau? Chúng ta biết rõ khi mang thân tứ đại và có tâm ham muốn, chắc chắn kết thành quả khổ đau, mà ham muốn không bao giờ thỏa mãn, nên khổ đau luôn đi theo sau. Phật dạy muốn hết khổ đau, phải cắt bỏ ham muốn, bỏ được một phần ham muốn thì bớt được một phần khổ đau và bỏ tất cả ham muốn thì hết tất cả khổ đau. Điều này chúng ta thực tập được. Thuở tôi là Sa-di hầu cận Hòa thượng Thiện Hoa, Ngài nói một câu đơn giản mà trải qua hơn 50 năm, tôi còn nhớ đến ngày nay. Ngài nói rằng phúc đức thay cho người cô độc, họ không bị phiền não thế tục quấy rầy; trong khi lúc đó cuộc sống ở chùa Ấn Quang khổ nhất so với các chùa khác; vì chùa rất nghèo, cả tháng, chúng tôi chưa được một lần ăn đậu hủ nước tương, chỉ ăn nước muối. Tuy đời sống vật chất thiếu thốn, nhưng trong hoàn cảnh vật chất khổ, Hòa thượng tìm được sự an lạc, đó là một phần Niết-bàn, vì không bị phiền não thế tục quấy rầy là không ham muốn ăn, ăn gì cũng xong. Đối với ba việc là ăn, mặc, ở, chúng tôi sống đơn giản nhất, trong một phòng nhỏ, chúng tôi ở năm, sáu người cũng được và hành trang không có gì, chỉ lượm một thùng đựng sữa mà người ta vứt bỏ để chứa quần áo rách. Tôi có một người bạn học mà gia đình tương đối khá, nên được ba mẹ may cho bộ đồ sạch đẹp, khi giặt xong, thầy này phơi đồ phải ngồi canh chừng, sợ mất; còn tôi có bộ đồ rách, tôi không phải bận tâm coi chừng. Giá trị hạnh phúc mà Hòa thượng nói là không phải bận tâm được Phật diễn tả rằng quý thầy có phước hơn người chủ đồn điền, vì các thầy không có con bò để mất, nên không có nỗi khổ của người mất của.
     Vì vậy, Phật dạy rằng việc truy cầu là khổ. Thấy người có, chúng ta cố gắng cho mình có khiến ta phải khổ, nhưng được rồi phải giữ gìn còn khổ hơn và khi bị lấy mất lại càng khổ hơn. Vì vậy, giá trị Niết-bàn của thế gian nằm ở chỗ đó, nhưng người ta hiểu lầm nghĩ rằng đạo Phật sợ khổ, nên bỏ hết, không có gì.
     Khi chúng ta chết rồi và ở dạng trung ấm thân, tìm được thân vật chất để gá vô cũng khổ, nhưng có được thân người thì lại có một trăm thứ bệnh khổ, rồi mất thân người thì tiếc cũng khổ và tìm được thân khác cũng khổ; đó là cái khổ của vòng sinh tử luân hồi của tất cả chúng sinh, hết khổ này đến khổ khác, khổ này làm nhân cho khổ khác sinh ra. Vì vậy, Phật dạy chúng ta tìm nguyên nhân của sinh tử và diệt được nhân này rồi thì cái quả sinh tử không có, chúng ta sẽ không có cái khổ của quả sinh tử.
     Đức Phật triển khai pháp này, dạy năm anh em Kiều Trần Như đắc đạo với pháp Tứ niệm xứ quán. Chúng ta đang đau khổ, tu quán Tứ niệm xứ thì hết khổ liền; nhưng cái khổ này không thực, bởi không để tâm nên không khổ. Kinh nghiệm tôi thấy rõ ngoài đời có biết bao nhiêu việc khổ đau, nhưng người tu ở chùa không biết gì cả, nên không khổ. Pháp tu này kinh Pháp Hoa gọi là trụ Hóa thành Không, đóng kín sáu giác quan, khổ này chấm dứt. Khổ vì cái biết của mình, nên không biết thì không khổ. Ví dụ ta có người thương nhất, họ chết mà chúng ta biết thì khổ lắm, nhưng nếu chúng ta không biết họ chết, chúng ta sẽ không khổ, nên nói Niết-bàn này không thực.
     Vì vậy, Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng vì người sợ sanh già bệnh chết, Phật nói Niết-bàn; còn người có trí tuệ, Phật dạy quán nhân duyên; đối với người có năng lực, Phật hướng dẫn tu Bồ tát đạo. Cho nên Phật khai ra Tam thừa. Tứ Thánh đế chỉ là chân lý trong cuộc sống của con người, đừng nên lầm điều này. Phật nói cái biết của Ngài như lá trong rừng, cái Phật chứng Ngài không nói được. Những gì Ngài nói được chỉ là phương tiện.
     Phật dạy Tứ niệm xứ quán chấm dứt khổ đau về tâm, nhờ bỏ quên nói, bỏ nó một bên, không bận tâm nên không khổ. Tứ niệm xứ quán là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, đó là bốn tiêu đề mà Phật bảo người tu phải suy nghĩ để ta từ bỏ cuộc đời, nghĩa là từ bỏ tâm chấp trước. Vì tâm vô thường, nên việc xảy ra chúng ta coi là tất yếu, không bận lòng. Còn người hứa rồi thay đổi, chúng ta chấp vào lời hứa đó mà khổ. Phật dạy rằng tâm vô thường, lúc trước người thương, nên muốn cho chúng ta ăn, nhưng nay họ hết thương không cho mình là việc bình thường. Hoặc lúc trước họ thương vì chúng ta có phước, nay họ ghét là nghiệp của ta.
     Vì vậy, kiểm tra vọng tâm chúng ta luôn luôn thay đổi, thì thân cũng thay đổi và hoàn cảnh cũng thay đổi theo. Khi tâm chúng ta tốt, tướng tốt theo đó hiện ra và hoàn cảnh cũng tốt theo. Cho nên, trên bước đường tu, tôi xem hoàn cảnh mình thế nào mà biết được thân của mình và căn cứ vào thân mà biết được tâm mình.
     Thanh văn tu Tứ niệm xứ quán thì chấm dứt được khổ đau, vì tâm chúng ta không nghĩ đến, không biết, nên không khổ, đó là chấm dứt cái khổ ngay nơi tâm mình thôi, còn hoàn cảnh bên ngoài cũng tiếp tục khổ và thân cũng bệnh cũng khổ.
     Phật dạy người tu khác người đời ở chỗ đó. Người đời chạy theo vật chất nên vật đổi thì tâm họ cũng thay đổi. Người tu không chạy theo vật, nên vật đổi, tâm họ cũng không đổi. Người đời thân chưa thọ hình, nhưng tâm đã khổ. Câu chuyện vua Ba Tư Nặc thử người em của ông, nói lên cái lý này. Vua bảo người em rằng cho ông này làm vua bảy ngày, muốn gì cũng được hưởng, nhưng sau bảy ngày sẽ bị xử tử hình. Bấy giờ, người em không còn ý thức hưởng thú vui nào cả, vì tâm ông luôn bị ám ảnh rằng chỉ còn sống một tuần và cái ý thức sẽ chết khiến cho ông khổ đau mặc dù chưa thọ hình. Phật dạy Sa-môn nên thấy cuộc đời như vậy, để không sanh vọng tâm tham đắm. Người thật tu luôn quán tưởng điều này. Lúc mới vào chùa, tôi học bài kệ:
         Thị nhựt dĩ quá
         Mạng diệc tùy giảm như thiểu thủy ngư
          Tư hữu hà lạc.
     Nghĩa là người tu nghĩ một ngày trôi qua, mạng sống ta giảm lần ví như con cá sống trong nước, mà nước một ngày một cạn thêm, đến khi hết nước là cá phải chết. Có gì mà vui đâu. Ta cứ nghĩ sắp chết thì có ý chí vươn lên, tìm đường thoát.
     Còn người tu thân thọ hình, tức đời sống vật chất thiếu thốn nhất, chỗ ở cũng không có, ăn mặc cũng đơn sơ. Cuộc sống tu hành như vậy tuy khổ, nhưng tâm người tu không thọ là không khổ, tức tâm họ trụ trong Niết-bàn của Tiểu thừa, không lệ thuộc vật chất. Hoặc chúng ta bị đau, nhưng không có cảm giác đau, bị đói nhưng không cảm giác đói, nghĩa là thân thọ khổ, nhưng tâm không thọ khổ.
     Trên cuộc đời này, chúng ta thấy có nhiều người giàu, có địa vị, tuy đời sống vật chất dư thừa, nhưng tinh thần họ rất khổ là khổ tâm. Người thế gian rơi vô tình trạng này. Phật tử tập sống chiết trung, tức không sống được như Sa-môn, nhưng cũng không sống như người thế tục, để có Trung đạo, có được Niết-bàn, tuy chưa phải của Phật.
     Thực tế chúng ta làm được là người tu thực tập trên cái tâm của chúng ta để cắt bỏ khổ đau của thế gian, để vào Niết-bàn từng phần của Bồ-tát. Nghĩa là sự an lạc của chúng ta là sống không truy cầu, tức sống với những gì chúng ta có, đó là Niết-bàn thực của chúng ta. Ví dụ trưa nay tu hành, chúng ta có được một phần cơm đạm bạc vẫn thấy an lạc. Còn sống thế tục thì ở đây ăn mà tâm nghĩ đến nhà hàng thì nuốt thức ăn không vô. Tu Một ngày an lạc thì giá trị của một ngày an lạc là chúng ta có thức ăn để không đói, tâm chúng ta được thanh thản; giá trị của Niết-bàn trong một ngày tu là như vậy.
     Tôi nhớ câu chuyện ông vua ăn mầm đá. Vua ra lệnh rằng nếu có người nào tìm được món ăn ngon nhất cho ông thì vua sẽ chia một nửa giang sơn. Một nhà sư đến nói rằng có món ăn đặc biệt là mầm đá. Ông đem đá nấu cho nhừ để dâng vua ăn, vua chờ đến trưa, đói quá, lúc đó nhà sư mới lấy một vắt cơm với muối trong bát cơm khất thực dâng cho vua ăn. Vua ăn khen ngon quá, xin thêm một miếng cơm nữa. Giá trị của Niết-bàn là ở đó.
     Phật tử tu Một ngày an lạc, nhưng sợ đói, nên ăn no trước và đem theo đồ ăn, vừa nghe pháp vừa ăn, thì chắc chắn trưa ăn cơm không còn ngon. Chúng ta có cái gì thì hưởng cái đó, không truy cầu, nhất là không truy cầu những gì không thực tế để đừng khổ. Hãy dừng tâm truy cầu vượt xa thực tế. Tôi thấy rất nhiều người sa cơ thất thế cho đến tự tử, vì truy cầu quá lớn dễ đưa đến phá sản. Sống với thực tế chúng ta có, sẽ tìm được an lạc là Niết-bàn.
     Phật dạy rằng ai cũng có Niết-bàn, nếu chúng ta biết tu sẽ được an lạc. Nếu ta dừng lại một phần tham vọng thì sẽ chứng được một phần Niết-bàn, cho đến ngày hết tham vọng, thành Phật, ngồi Bồ Đề Đạo Tràng phá ma quân, Phật gọi là hàng phục Tứ ma, chủ yếu là Ngũ ấm ma gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Năm điều kiện này không chi phối được Phật, Ngài hoàn toàn vắng lặng, trụ trong tịch diệt tướng, tất cả tham vọng dứt trừ, tâm hoàn toàn yên tĩnh vì tâm đặt ngoài vật.
     Như vậy, trên bước đường tu, thực tập đầu tiên, chúng ta quên vật bên ngoài, cho đến quên cả thân mình. Được như vậy, Hòa thượng Thiện Hoa mới nói phước đức thay cho người cô độc; vì Ngài quên thân Ngài có, mới không bị người chung quanh quấy rầy.
     Có thể khẳng định rằng trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có Niết-bàn, nhưng chúng ta không nhận ra nó, không thấy giá trị của nó để sống. Vì vậy, chúng ta tu Một ngày an lạc đúng nghĩa sẽ có một ngày Niết-bàn và thực tập pháp cao hơn sẽ có các Niết-bàn khác và mỗi người thực tập một cách khác nhau.
     Vua Tịnh Phạn tội nghiệp Thái tử Sĩ Đạt Ta đi khất thực bữa đói bữa no, nên thấy cuộc đời Ngài quá khổ. Nhưng Sa-môn Cồ Đàm thấy Ngài bỏ lại phía sau tất cả thế tục quấy rầy, mà Tịnh Phạn vương đâu có tâm an ổn, yên tĩnh như Sa-môn Cồ Đàm để nhận ra được điều này. Tâm Phật hoàn toàn yên tĩnh, đó là giá trị của Niết-bàn. Phật dấn thân trên con đường cát bụi là thân Ngài như vậy, nhưng tâm Ngài bao la bao trùm cả trời đất, mà kinh Hoa nghiêm gọi là Nhập Pháp giới; nói cách khác, tất cả hữu tình và vô tình chúng sinh đều hướng về Phật.
     Quả vị mà chúng ta thực tập được phần nào sẽ thấy được an lạc phần đó và đó là giá trị của Niết-bàn. Đến khi tâm bao hàm cả vạn vật, tức vạn vật ở trong tâm và khi đó tâm phát được từ tâm tác động đến chúng sinh hữu duyên được an lạc theo.
     Khi tâm chúng ta nghĩ đến Phật, gặp được từ tâm của Phật, nên có được nguồn vui thầm kín. Thật vậy, tôi ngồi yên, bắt gặp được từ tâm Phật cho tôi nguồn vui kỳ diệu là giá trị của Niết-bàn hiện hữu lúc đó, tức tâm Niết-bàn của Phật tác động ta, cho ta nguồn vui. Tôi khám phá tại sao Đức Phật cũng là người, nhưng Ngài cảm hóa được tất cả mọi người, người thân, thậm chí cả người thù vẫn cảm hóa được, đó là thấy giá trị tu chứng, tức Niết-bàn của Phật.
     Bước đầu, Phật cảm hóa ba anh em Ca Diếp là một việc khó làm, vì Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp là quốc sư của Bình Sa vương; nhưng ông vua này dâng cúng thượng uyển Trúc Lâm cho Phật. Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp đau khổ vô cùng, vì nghĩ ông có công đóng góp cho triều đình, đáng lẽ vua phải ban cho ông, tại sao lại cúng dường cho Phật là tu sĩ lang thang. Điều đó cho thấy ông này tu lâu, nhưng tâm vẫn kẹt truy cầu vật chất, nên đau khổ; nhưng ông gặp tâm bao dung của Phật quá lớn bao luôn cả ông, nên tâm ông cựa quậy gì cũng nằm trong tâm từ của Phật. Phật muốn ban an vui cho ông, nên đến tu viện để cho ông nguồn vui. Nguồn vui của Phật đến với Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp làm ông phát tâm, thì 500 đồ chúng của ông cũng theo Phật. Tôi hành đạo nhận ra lý này, gặp một vị tu hành có công đức lớn, chúng ta nhận được nguồn vui của họ, còn tới với người gian dối, chúng ta sẽ nhận được sự gian dối. Khi tâm chúng ta lắng yên sẽ không bị mắc lầm.
     Đạo Phật chính là sự truyền tâm, mà về sau Thiền tông triển khai lý này. Phật truyền tâm cho Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, rồi đến 3 anh em Ca Diếp và đến 500 đồ chúng của ông; cho nên nhứt thời mà Phật có 1.000 đệ tử đắc quả vị A-la-hán, hưởng được Niết-bàn của Phật ban cho.
     Cũng như ta gặp một vị chân tu là được sự an lạc của vị này cho ta. Điển hình là vua Trần Thái Tôn gặp Phù Vân khiến cho tâm đau khổ của vua trở thành tâm an lạc. Vì vậy, hưởng được giá trị của Niết-bàn, nhưng Niết-bàn này của Phật, của Tăng cho, không phải của ta tu chứng, nên nó có rồi mất. Biết như vậy, nhận được Niết-bàn hay an lạc rồi, phải phát huy cái riêng của mình và Niết-bàn của chúng ta thể nghiệm được mới là thật.
     Căn bản phiền não của ta là tham và giận. Người nhiều ham muốn dễ bực tức là người đau khổ nhất, dù là vua. Nhưng người dù nghèo, mà ít ham muốn và không bực tức thì họ đến gần Niết-bàn. Sa-môn không có tài sản và không ham muốn, nên không khổ. Ta bực tức vì chấp ngã. Kinh nghiệm tôi thấy người ít chấp thì ít khổ. Nếu quý vị còn nghèo, dốt, dở, ai khinh khi mình dễ chấp nhận. Còn người có học một chút, có một chút khả năng dễ bực tức. Tôi thấy đa số người trí thức dễ giận, dễ bực và giới văn nghệ sĩ cũng dễ nóng giận. Thí dụ tổ chức một đêm văn nghệ, người sắp xếp chương trình rất khổ trong việc ai hát trước ai hát sau. Người ca sĩ nổi tiếng thì nói tôi thế này mà bắt hát sau, hát lót đường, vì họ có vị trí nhất định nên dễ bực. Người tập sự hát thì hát trước sau gì cũng được, vì cho họ hát là được rồi. Khi có địa vị rất dễ nổi giận. Vì vậy, trên bước đường tu, từng bước phát triển, cố gắng loại bỏ tánh bực tức và ham muốn. Ít bực tức, không ham muốn dù giàu có và có thế lực.
     Giá trị của Niết-bàn của chúng ta là người mới tu Một ngày an lạc đã có. Còn Niết-bàn của các Thánh nhân chúng ta chưa vô được, nên chưa cảm được. Các Bồ-tát lang thang trong sáu nẻo luân hồi, thì các A-la-hán không thấy, không hiểu được giá trị của việc cứu nhân độ thế của Bồ-tát. Bồ-tát cứu được một người là có một Niết-bàn. Các vị Thánh La-hán trụ Niết-bàn có an lạc, còn Quan Âm Bồ-tát có cứu người thì Ngài có Niết-bàn, không cứu người không có Niết-bàn. Một ngày Bồ-tát cứu độ được bao nhiêu người là giá trị của Niết-bàn ở đó.
     Đến quả vị Như Lai không cần cứu chúng sinh, nhưng thật sự cứu được tất cả chúng sinh. Thể hiện lý này, Đức Phật Thích Ca hiện hữu trên cuộc đời này hay không, Ngài vẫn độ tận chúng sinh. Thật vậy, ngày nay, hàng ngàn người tu hành, nương được tâm an lạc của Phật, đó là của Niết-bàn của Phật cho. Chúng ta chỉ nghĩ đến Phật là được an lạc. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, biết bao nhiêu người nghĩ đến Phật là được Niết-bàn; đó là Niết-bàn cao nhất, Phật không cứu mà cứu, khác với Niết-bàn của Bồ-tát có cứu độ người mới có Niết-bàn, cũng khác với Niết-bàn của Thanh văn là trụ tâm, không làm. Còn Niết-bàn của chúng ta là làm được việc tốt phần nào thì có Niết-bàn phần đó.
     Mong rằng tất cả quý vị đều có Niết-bàn, không đến khóa tu Một ngày an lạc thì thấy tiếc nuối, đó là thấy được giá trị của Niết-bàn ở khóa tu Một ngày an lạc. 

Bi Trí Dũng

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
         Chủ đề Bi Trí Dũng được rút ra từ đại hùng, đại lực, đại từ bi. 
Đức Phật đã ra khỏi sanh tử luân hồi, nhưng Ngài nguyện vào Nhà lửa tam giới là vào cảnh khổ của chúng sanh để độ thoát chúng sanh. Ngài không có quyền lợi và mục tiêu gì khác, nên Ngài được tôn kính là bậc đại hùng. Trong khi phần nhiều chúng ta sợ khó và khổ nên tìm sự an lạc cho mình, hoặc vì tham vọng, chúng ta mới chịu khó khổ. Tuy nhiên, đại hùng phải đi với đại lực, vì "Hùng” mà không có "Lực” cũng chẳng làm được gì, còn hại cho mình. Như vậy, đại lực là quan trọng và chính đại lực mở rộng thành mười hiệu của Phật là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Nếu không có mười hiệu này thì không là đại lực, vì không có khả năng giải phóng cho mình mà nghĩ giải phóng cho tất cả mọi người là hoang tưởng.
        Muốn giải phóng cho người, phải có mười điều kiện. Một là Như Lai, tức tâm như như bất động, gặp bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn bình tĩnh. Nếu thiếu bình tĩnh và thiếu sáng suốt sẽ không giải quyết được gì. Bình tĩnh là điều tất yếu mà Phật có, gọi là Định và Phật có vô số Định, không phải chỉ có một Định. Tu được một Định ở mức độ nào là bước khởi đầu theo Phật, chúng ta phải tập cốt lõi này, tức tập tu tâm. Phật dạy trụ tâm lại một chỗ mới có thể giải quyết được việc. Tất cả pháp tu của Phật không ngoài nghĩa tập trung là Định. Tôi tập pháp này bằng cách trước mặt tôi có cành hoa hay viên sỏi, tôi cũng tập trung vào tiêu điểm đó. Lấy một điểm tựa để tập trung thì tất cả oai nghi theo đây có gọi là Định và từ Định lưu xuất Đà-la-ni là Huệ, tức tùy sức tập trung, trí sáng suốt mới sanh.
       Tôi tụng Pháp hoa, tập trung lại, bắt đầu nhìn mọi việc sáng hơn, mới thấy kinh Pháp hoa dạy rằng vào được Pháp hoa định thì chúng ta sẽ chứng Triền Đà la ni và Pháp âm Đà-la-ni. Như vậy, hành giả Pháp hoa có được sáu ngàn công đức trang bị cho sáu căn, gọi là Định và Huệ, hay gọi chung là Thiền. Người Việt Nam nói tu thiền, nhưng không biết thiền là gì. Tập trung tư tưởng và phát sanh trí tuệ là thiền. Còn tâm tán loạn là bỏ đi, hay tập trung tư tưởng, nhưng không có trí tuệ sáng suốt thì cũng không được gì. Có tập trung và trí tuệ sanh thì đối tượng là Phật luôn ở trước mặt, ở trong đầu, bấy giờ kinh Hoa nghiêm diễn tả rằng nhìn đâu cũng thấy Phật; đó là Triền Đà la ni. Vì vậy, dù ở Ta-bà đối mặt với nghịch cảnh, nhưng nhờ có Triền Đà-la-ni, chúng ta vẫn thấy Phật ở trước mặt, nên chúng ta xử sự bằng tâm Phật và Huệ; đó là pháp đầu tiên tu hành phải có được. Còn tụng Pháp hoa nhưng không lưu xuất được Đà-la-ni, mà tập trung toàn dữ kiện xấu thì họ là người nhiều chuyện, vì đầu họ không có Phật, nên không thấy Phật, mà thấy chuyện xấu trên cuộc đời. Tâm họ xấu là nghĩ xấu về người, nên phát ra lời nói ác, kết thành quả báo xấu; như vậy là tu sai. Thậm chí người tu chân chánh, trì luật rất nghiêm, nhưng chỉ lệch một chút, cũng mất hết công đức. Lệch là gì? Người trì luật thì luôn nghĩ tới luật, chấp giới điều, cho nên họ thường đặt vấn đề vi phạm. Nhưng đối với người tu Pháp hoa, trong mười hai năm đầu, Phật vì hàng thanh tịnh Tăng, nên không chế giới. Giới chỉ dùng cho người phạm, khi nào đưa ra điều luật thì ai phạm mới tội. Còn trước đó, chưa có luật vì chưa có người phạm. Ngài Duy Ma nói rằng chúng ta không nên đem tội tròng lên người vô tội, thí dụ như trẻ con không coi phim bạo lực thì sẽ không có ý thức bạo lực.
        Người xưa nói: "Đọc binh thư cụ chiến. Đọc luật thư cụ hình. Đọc Phật thư, chiến hình vô cụ”. Nghĩa là nếu trong đầu chúng ta học toàn là binh thư thì sẽ nói chuyện chiến tranh, giết người. Thuở nhỏ tôi thích đọc Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo, nhưng nghe Hòa thượng Pháp Lan nói như vậy, nên sợ không dám đọc nữa. Đọc luật thư thì sang Nhật, tôi học luật, trong đó có học Hình luật nói về những điều phạm tội phải thọ án bao nhiêu năm tù, hay tử hình; như vậy đọc luật là đưa vào lòng mình toàn là tội phạm. Đọc Phật thư chiến hình vô cụ, nghĩa là đọc kinh của Phật, không sợ đem vào tâm mình chiến tranh, chết chóc và tội phạm; mà chỉ nói toàn hạnh Phật và hạnh nguyện của Bồ-tát, thì hạnh nguyện của Phật và Bồ-tát là những vị thánh thiện hiện hữu trong tim óc chúng ta, hiện diện trước mặt chúng ta. Thật vậy, chúng ta trông thấy tôn tượng Quan Âm, tâm mình sẽ thanh thản, từ bi, khác với chứng kiến phiên tòa xử tội phạm. Học luật để làm Chánh án xét xử tội tất nhiên luôn nghĩ đến tội của người, không thể khác. Học Phật thì khác, Phật dạy Địa Tạng Bồ-tát vào địa ngục có một ngàn tội cũng không thấy, chỉ thấy dù là một điều tốt mong manh như cọng tơ. Người học Phật tìm điều tốt để thấy; nếu tìm điều xấu thì không tìm cũng thấy. Trong giảng đường này, ai cũng tốt, vì bỏ thì giờ nghe pháp tu hành; nhưng người học luật vào đây sẽ thấy người ngồi không thẳng lưng cũng không tốt. Thấy được điều tốt, vì tâm chúng ta là Phật. Vì vậy, tu Hoa nghiêm, Phật dạy rằng tất cả chúng sanh là Phật đã thành, vì trong tâm chúng ta đã có Phật. Riêng tôi, khi ở Nhật về, giữ tâm mình theo hướng này, nên có người đến thăm tôi, Thầy kế bên nói rằng tất cả những người tới với tôi, không ai tốt, phải đề phòng họ hại. Nhưng vì tôi tụng Pháp hoa, nên trong tâm tôi đang nghĩ về Phật, về Bồ-tát, nên những người này liền trở thành Phật, Bồ-tát.
       Chúng ta cần tập tánh giống Phật là như như bất động. Phật bất động trước phú quý vinh hoa. Nghĩ đến phú quý vinh hoa thì không tu được. Ngài mang bình bát đi khất thực, ai cho thức ăn gì thì dùng thức ăn đó. Đối với cao lương mỹ vị, hay cơm hẩm hiu, Phật không phân biệt. Có thể nói tu khổ hạnh không ai hơn Đức Thích Ca, Ngài nhịn đói đến da bụng dính với xương sống, cũng không quan tâm, thể hiện sự bất động tuyệt đối, gọi là Như Lai.
       Ngoài ra, Phật còn là bậc Ứng cúng, nghĩa là xứng đáng cho trời người cúng dường. Nhờ vô động, nên Phật có khả năng siêu tuyệt thứ ba là Chánh biến tri, nghĩa là thấy chính xác, nên Phật này nói, Phật khác không lặp lại; còn biết theo kinh nghiệm sách vở thì không phải là Chánh biến tri. Chánh biến tri là bây giờ và ở đây, không đem việc một ngàn năm trước lặp lại, ở đây thì nói việc ở đây. Nhờ có Định và Huệ phát sanh, Phật thấy rõ người và việc như thế nào, nói cách khác là thấy rõ nghiệp nhân quá khứ, quả hiện tại của người và họ làm được gì trong tương lai; cho nên Phật dạy người này không giống với người kia. Phật dạy Ưu Ba Ly khác với Duy Ma, vì Ưu Ba Ly là Ưu Ba Ly, Duy Ma là Duy Ma, không thể đem việc của Duy Ma áp đặt cho Ưu Ba Ly, vì Ưu Ba Ly không chấp nhận được. Chánh biến tri là như thế. Có một ngàn hai trăm công đức của ý, nhìn người, không quan tâm đến quá khứ của họ, nhưng Phật biết rõ quá khứ và biết cả tương lai của họ, vì tất cả quá khứ thể hiện trong cuộc sống hiện tại của họ, nên Phật không bao giờ mắc lầm, mà luôn luôn dạy đúng.
      Phật dạy những gì mà Ngài đã làm, là Minh hạnh túc, tức Phật nói điều Ngài đã làm và Ngài làm những gì Ngài nói, khác với chúng sanh làm ít mà nói nhiều, hay không làm mà nói. Bồ-tát thì âm thầm làm việc cứu giúp biết bao người, nhưng không nói.
      Phật còn là bậc Thiện thệ, Thế gian giải. Chúng ta thường nghĩ người tu không biết việc thế gian, nhưng Phật biết tất cả việc xảy ra trên cuộc đời và biết cả việc chưa xảy ra. Việc chúng ta biết, Ngài biết, nhưng Ngài hơn chúng ta là biết cái chúng ta không biết.
      Phật có đầy đủ mười hiệu là mười lực, hay đầy đủ mười sức mạnh này mới là đấng Đại hùng, Đại lực, mới ra vào Nhà lửa tam giới một cách tự tại được. A-la-hán vào nhưng không ra được, nên không dám vào Ta-bà, cũng như chúng ta nguyện chết sanh về thế giới Phật, không dám sanh lại đây. Thật vậy, Phật là bậc Đại hùng dám vào Nhà lửa, vì đủ sức; chúng ta chưa đủ sức, nên cân nhắc.
      Phật là đấng đại từ bi, vì do lòng thương người mà Ngài xuất hiện trên cuộc đời và thương người mà Ngài nói ba xe là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, nhưng thực chỉ có một Phật thừa, nghĩa là ai tu cũng thành Phật. Trong lúc chưa thành Phật thì phải tu Thanh văn để đắc Tứ quả, hay tu Duyên giác, Bồ-tát cũng được. Vì lòng từ bi, Phật chia như thế để ai cũng tu được, người tu cao thì đắc quả vị cao, người tu thấp đắc quả vị thấp, cũng như ba cỏ hai cây hấp thu nước mưa đều phát triển. Tất cả mọi người tu đều thành Phật, người thành Phật trước, người thành Phật sau. Ngài Trí Giả ví ý này như trong đầm sen có cây sen đã trổ hoa, có cây chưa trổ hoa, có cây còn trong nước, có cây còn trong bùn, hay cây mới nứt mầm là mới phát tâm Bồ-đề. Chúng ta tu hành được một giai đoạn ví như hoa sen chưa ra khỏi nước và chúng ta đạt được thành quả ví như hoa sen đã vượt lên khỏi mặt nước và đắc đạo là trổ hoa, tức có người lớn người nhỏ, người trước, người sau, cuối cùng đều thành Phật.
     Từ đối tượng là Phật là đấng Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi mà bác sĩ Lê Đình Thám lấy ý này để xây dựng phương châm cho Gia đình Phật tử là Bi, Trí, Dũng, nhưng tất cả chúng ta lập chí tu hành theo phương châm này đều tốt. Tuy nhiên, từ bi mà không có trí tuệ, giống như ngài Huyền Trang không nhận ra yêu ma, nên luôn bị nó hại. Tề Thiên thấy được yêu ma, vì Ngộ Không là tâm bất động, thấy bề ngoài đáng thương, nhưng bên trong là yêu ma.
     Phải có trí tuệ, ta mới quyết định việc đáng làm thì làm, không sợ là Dũng của các vua Lý Trần. Phật hoàng Trần Nhân Tông đánh giặc không khoan nhượng và tuyên bố rằng ngài đánh giặc không phải vì ngai vàng, nhưng vì sợ quân Mông Cổ giày xéo nhân dân Việt Nam. Trong khi thực sự vua Trần Nhân Tông ăn chay trường từ năm 16 tuổi và ngài tu thiền, nhưng phải hai lần lãnh đạo đánh đuổi giặc xong rồi, ngài rũ áo đi tu. Ngài đánh giặc thể hiện cái Dũng và từ bỏ ngai vàng đi tu cũng là Dũng.
Tóm lại, theo câu châm ngôn Bi Trí Dũng, Phật tử thấy việc đáng làm thì sẵn sàng giúp; nhưng tu Pháp hoa, khi thấy việc đáng giúp nhưng chưa giúp được thì hẹn dịp khác, gọi là thệ nguyện an lạc. Thấy người đáng thương, nhưng ta không có khả năng thì cố gắng tu hành cho có khả năng và trong kiếp luân hồi, gặp lại, có đủ điều kiện, ta sẽ giúp.

Tâm hạnh người tu

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
       Tâm hạnh người tu, nói cho rõ là tâm hạnh của Phật tử, hay tâm của Phật và hạnh của Bồ-tát. Chúng ta nói về tâm của Phật và đệ tử Phật. Phật dạy Ngài trải qua vô lượng kiếp tu, nhưng chủ yếu tu cho được tâm Phật mới thành Phật. Chúng ta được mệnh danh là đệ tử Phật thì phải đi con đường của Phật; nếu đi lệch hướng, không phải là Phật tử, nhưng thành tà ma, trở thành phá pháp Phật, hay là đứa con hư, con phá sản. Vì vậy, ta chọn con đường Phật đi, nhất định phải đi theo thì đầu tiên coi Phật dạy tu tâm thế nào.
       Phật dạy tâm là chủ sanh ra vạn pháp, có thể sanh pháp lành và nghiệp ác. Nếu phát triển tâm lành, chúng ta sẽ đi lên Hiền thánh, Tiên, Phật; ngược lại là con đường đi xuống, tức con đường tà, con đường ma mà chúng ta phải tránh. Ma là gì, tà là gì? Tà là sai trái, ma là tâm tham lam, ác độc. Ma thuộc về ác, nói thêm là thầy tà bạn ác là làm bạn với ma, chết phải sa ác đạo. Tất cả những thứ này do tâm dẫn.
       Phật nói những kiếp xa xưa về trước, Ngài cũng sai lầm, có lúc đi theo thầy tà làm những việc mà người nhẹ dạ dễ tin. Trước mắt là gặp thầy tà thường nói đúng gia đạo và hoàn cảnh của ta, nên đa số được người tin là tà có cái giỏi đó. Nhưng nó nói đúng hoàn cảnh mình mà tin theo là chắc chắn chết. Phật dạy tin luật nhân quả, nhưng thầy tà dạy không tin nhân quả, chỉ tin khôn ngoan xảo trá. Thí dụ có xe hư muốn bán được, xin thầy tà cho cái phép để bán. Xe cũ mà muốn bán nhiều tiền do tâm tham lam xấu, muốn đổ cái hư cho người để lấy tiền nhiều. Có người nhờ thầy chú nguyện bán gì đó. Thầy hỏi đồ này có tốt thiệt không. Phật thì chân thật, bất hư, không dối gạt. Món đồ này trị giá một trăm triệu, nhưng cần tiền nên bán hạ còn chín chục triệu, thì ta cầu nguyện được Phật chứng, được Hộ pháp thiện thần thấy ta cần bán chỉ cho ta người cần mua, cả hai đều vui. Là Phật tử, chúng ta nên cân nhắc điều này, họ mua được hàng rẻ thì mừng là ta đem lại cho người tâm an vui. Ta muốn trời Phật giúp ta để người bị lầm thì trời Phật không làm điều sai trái này, chỉ có tà ma làm. Làm bạn với ma thì phước ta giảm lần, biết ta sẽ đi vào địa ngục. Làm việc xấu thì hậu quả thế nào? Thí dụ ta mua đồ xài không được, vì bị tà ma ếm rồi, lúc đó ta bị ma làm mờ mắt, tâm không sáng suốt, nên họ nói ta nghe, nhưng về nhà, ta tỉnh lại. Họ nói mình nghe, vì lúc đó tâm mình mê rồi, nên mở két đưa tiền cho họ, nhưng họ đi rồi, thì biết mình bị gạt, nên mình hận, buồn, đau khổ. Những người chuyên môn lừa đảo như vậy chỉ được một, hai lần và lần lần, họ bị mắc bùa, vì họ sử dụng bùa, bị ma ám, nên họ trở thành khờ dại. Người bị bùa mê thuốc lú, con người tệ lần, đến cuối cùng, không còn ai tin theo, bị bỏ rơi là đọa địa ngục.
       Khi Phật tại thế, có người thông minh, giỏi, nhưng tâm bất chính, tâm tà là Đề Bà Đạt Đa chuyên luyện bùa chú, làm được việc kinh thiên động địa, có thể thuyết phục vua A Xà Thế và thuyết phục cả năm trăm đệ tử Phật, khiến họ cùng thưa với Phật rằng Phật lớn tuổi rồi, nên giao quyền lãnh đạo Tăng chúng cho Đề Bà Đạt Đa, chúng tôi tín nhiệm ông ấy. Ma cao gấp mười lần Phật là vậy, vì nó làm việc tà; trong khi Phật dạy người làm đúng. Tà có thể thi thố, có thể biến đá thành vàng, nên Phật nói, nếu tin theo Đề Bà, Phật không ngăn. Từ đó trong suốt ba năm, Phật ẩn cư trong rừng, sống trong thiền định, không làm. Còn những người tin tà ma thì phát, nhưng bạo phát bạo tàn, thì khi đó nghiệp đổ ra, ốm đau, gây gổ với nhau, mới đi tìm Phật, nghĩ đến lúc sống với Phật, tâm được an lành, nay theo tà thì khổ quá mới tìm Phật và Ngài độ họ lại.
       Tâm ta tà mới bị thầy tà dụ dỗ. Nếu ta giữ tâm chánh niệm thì không có tà ma nào dụ được. Thí dụ có người đến, ta theo Phật sẽ có cảm giác người này là tà. Tôi có kinh nghiệm này. Người tà tâm, tâm họ không chính thì ánh mắt họ điên đảo. Mình nhìn thẳng vào mặt họ, thấy họ tà, thì mình không bị tà ám. Mình sống trong thế giới này dễ bị quỷ nhiếp trì, vì trong tâm chúng ta có ma tham, ma giận, ma kiêu căng. Ma tham trong lòng chúng ta, hay lòng chúng ta còn nhiều ham muốn mới bị ông thầy tà dụ ta bằng cách cho mình bùa để được. Mình bằng lòng là bị mắc bùa. Nếu tâm mình chính, nghĩ đến Phật thì bùa gì, ma gì làm hại được. Ở Ta-bà mà chúng ta đang sống là thế giới ma. Chết thành ma và sống lại, ma thành người, nhưng khi ma chưa đầu thai, nó coi ai nhẹ bóng vía dựa vô năm, ba phút để nói gì đó, rồi cũng xuất ra. Con ma muốn thưa với thầy điều gì đó, nhưng là ma làm sao nói được, nên nó coi mình hơi lơ lửng thì nhập vô để thưa với thầy việc này việc kia. Thầy hỏi bà tên gì? Nếu nói đúng tên thì đó là người, nhưng nói tên sai, thầy biết nó là ma, thì thầy dạy con ma về chùa nghe kinh để giải nghiệp, đừng làm ma, là nó xuất ra.
       Ở thế giới này, ta và ma gần nhau, vì ai cũng giận, kiêu căng, tánh xấu nhiều, còn người đến với Phật rất khó, những người chịu đến đây nghe pháp được, tụng kinh được là nhờ có căn lành rồi, không dễ đâu. Trong tâm chúng ta có hai phần là thiện và ác. Ác hoàn toàn là ma, nhưng có thiện có ác là người. Người tội nhiều phước ít, tức ác nhiều thiện ít thì khổ đau nhiều, rất khó tu. Người phước nhiều, cuộc sống sẽ được hạnh phúc, dễ tu. Nếu chúng ta nghiệp nặng thường sanh vô nhà nghèo khó, khổ sở và chúng ta lại có thân bệnh hoạn, ngu dốt, độc ác, khờ khạo, những thứ này tiêu biểu cho nghiệp ác. Nếu sanh trong gia đình tương đối khá, cơ thể tốt, thông minh là có thiện nghiệp.
       Ác nghiệp nhiều, khó tu và nếu như vậy, ta tu thường gặp những trở ngại nhiều mà người giúp đỡ ít, nên chúng ta khó vượt qua. Tu kinh Pháp hoa, Phật nói phải vượt qua được ranh giới giữa tâm Phật và tâm ma. Khó thì thiệt khó, nhưng nếu nhận ra được Chánh pháp thì dễ tu, không khó, còn không biết thì khó. Tâm ta và nghiệp ta như vậy, nhưng có sẵn căn lành, chúng ta phát triển căn lành này, để nghiệp ác một bên, để cái bệnh, nghèo đói, xấu xí một bên, thì ta sẽ vượt được ranh giới xấu để ta vào cửa Bát-nhã. Vì vậy, nếu ta có căn lành thì sử dụng căn lành này để vượt qua. Trong phẩm Thí dụ thứ ba của kinh Pháp hoa, ông trưởng giả vào Nhà lửa có đủ thứ loài trong đó, nhưng ông chỉ cứu được những đứa con của Phật là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát là những người đã từng trồng căn lành ở Phật quá khứ. Mình sung sướng vì là con Phật, nên được Phật cứu, vượt qua ranh giới Nhà lửa. Chỉ có ba hạng là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát ra khỏi Nhà lửa được. Ta xét xem mình thuộc hạng nào. Hạng Thanh văn là nghèo đói, bệnh hoạn, ốm đau cũng được Phật cứu. Thầy sanh trong gia đình nghèo, thân thể thường đau yếu; nhưng nhờ căn lành, xuất gia, quyết tâm tu, vượt qua được ranh giới Nhà lửa thì thầy thoát được bệnh hoạn, vì là con Phật không có tánh tham lam, ích kỷ.
       Người làm công hèn hạ khác với cùng tử trong kinh Pháp hoa. Người hèn hạ muốn hưởng thụ, không muốn làm. Cùng tử muốn làm, không muốn hưởng là con Phật. Nói nghèo thì tham, nhưng mình tu thì nghèo mà không tham và biết tham sẽ nghèo, nên diệt ngay tánh tham. Thầy lang thang nghèo đói lâu ngày, nên thấy gì cũng muốn ăn. Vào học ở Phật học đường Nam Việt, một hôm lên mâm cơm có một miếng đậu hủ cắt làm bốn, nhưng có một người bệnh, nên thầy vội gắp vô chén mình hai miếng đậu hủ, như vậy là tham, vì đói lâu ngày, nên lấy được cái gì là lấy và tìm cách bào chữa cho mình rằng ăn như vậy là ăn giùm người bệnh, không sao. Hai thầy ngồi cùng mâm nhìn thầy với ánh mắt lạ lùng, làm thầy phải suy nghĩ, như vậy mình không giống Phật, không phải con Phật. Tu hành là phải chuyển từ tâm ma sang tâm Phật, nên thầy lên chánh điện lạy sám hối cho tiêu cái lỗi này và phát nguyện không làm vậy nữa và sẽ làm ngược lại, thì bữa sau cũng bốn người một phần ăn nhưng chỉ còn ba người. Thầy nói tôi bệnh, không ăn, để hai thầy kia mỗi người được hai quả chuối.
       Sám hối là mình tự phạt mình thì tâm tham bỏ lần, không dám nữa là hàng phục được tâm ma, bấy giờ tâm Phật hiện ra. Có tâm tham thì giành quyền lợi của người khác, khi cắt được tâm tham, tâm ta đứng yên là tâm Phật, hay tâm thương người. Mình tự phạt tâm ma, không cho mình ăn, nhưng tâm Phật sanh ra thì mình thương người, nhường cho người khác ăn. Từ tâm thương người mới dẫn đến hành động cứu người là hành động của Bồ-tát. Đi theo lộ trình Phật, gặp người khổ, ta cứu, có khả năng nào giúp đỡ được, ta sẵn lòng làm là hành động của Bồ-tát và tâm của Phật. Tâm và việc làm của người tu khác với tâm của ma. Tất cả chúng ta là con Phật nên cố gắng tu được tâm thương người và hành động cứu đời, chắc chắn được Phật hộ niệm về cõi Phật.

Nở Hoa Tâm Hồn

HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
     Chủ đề này gợi tôi nhớ lại sáu mươi năm trước khi mới đi tu, tôi gặp Hòa thượng Trí Đức ở tổ đình Huê Nghiêm, ngài làm lễ thế độ cho tôi. Trong đạo Phật, khởi đầu tu hành, khi còn là cư sĩ thì quy y Tam bảo, nghĩa là kính trọng Phật là bậc Đạo sư, lấy Giáo pháp làm kim chỉ nam và tôn kính chư Tăng dìu dắt mình trên bước đường tu. Và đến lúc đủ duyên, quý vị phát tâm xuất gia thì phải cần thầy thế độ là cạo tóc cho mình, gọi là bổn sư thế độ, tức vị đó dìu dắt mình suốt cuộc đời tu hành. Nam cư sĩ xuất gia thì nương vào Tăng, nhưng nữ cư sĩ xuất gia phải nương các Ni trưởng. Tăng không độ cho Ni, vì Ni có tâm trạng phức tạp, chỉ có các Sư bà biết được tâm trạng của phụ nữ.
      Khi tôi xuống tóc, Hòa thượng Trí Đức cho tôi pháp danh là Nhật Nghiêm, pháp tự là Trí Quảng. Đặt pháp danh xong, ngài xuất bài kệ làm kim chỉ nam cho tôi tu hành. Hòa thượng dạy tôi nương theo bốn câu kệ này tu hành, nhất định có kết quả tốt. Người xuất gia không may gặp vị Tăng đạo đức không cao thì không thể che mát được. Xuất gia cần có bậc cao đức để nương, làm bóng mát để mình tránh được sự oi bức của cuộc đời. Nếu gặp thầy trẻ xuất gia một lúc, thầy đó hoàn tục, làm sao tu, phải cầu vị cao tăng khác chỉ đạo. Hoặc xuất gia rồi, nhưng ở với thầy, phát hiện những điều mình bất kính thì phải bỏ đi. Trong kinh Hoa nghiêm cũng dạy rằng học với vị sư đắc được pháp nào đó, rồi phải từ giã, theo vị sư khác để tiến tu, không thể theo vị đó suốt đời. Còn nếu ở với thầy còn nhiều điều mình cần học thì ở lại được. Mỗi người có sở đắc riêng, chúng ta học xong rồi đi. Thiền diễn tả ý này là: "Khô mộc lý long ngâm bằng quân hội đạo khứ”. Đạo là cái gì vô ảnh vô hình, không thể nắm bắt được. Vì vậy, thấy vị cao tăng tu hành, sống bình thường, nhưng tại sao được người người kính trọng. Việc đó không thể giải thích, không bắt chước được, chỉ có ngộ đạo mới thấy được. Thầy ăn một chén cơm, mình cũng ăn vậy. Thầy tụng kinh, mình cũng tụng kinh y hệt như thầy, nhưng sao người không kính trọng mình. Đạo khó hiểu là vậy, nên phải tìm cửa để vào. Khi nào chúng ta học ở thầy được rồi, nghĩa là việc gì thầy làm được, mình cũng làm được thì chúng ta từ giã thầy, lúc ấy mới lên được, nở hoa được. Tôi khuyên quý vị nếu thấy tôi không có gì đáng học thì nên tìm đạo sư khác để học; đừng vì đã quy y với thầy mà ở với thầy sanh phiền não là sai.
      Hòa thượng cho tôi bài kệ là định hướng cho tôi đi đúng:
           NHẬT lãm Thiền tông cổ đại nhân
           NGHIÊM trì giới hạnh siêu tinh thần
          TRÍ châu Pháp giới chơn thường lạc
          QUẢNG phát tâm hoa nhựt nhựt tân.
      Nghĩa là hoa lòng phải nở ra, mỗi ngày phải luôn mới. Vì vậy, tôi suy nghĩ mỗi ngày tu hành, nếu tôi không phát hiện thêm ý mới thì coi như ngày đó vô nghĩa. Phát hiện điều mới là trong lòng mình nở hoa. Mỗi ngày chúng ta phát hiện một ý tưởng để thăng tiến trên đường đạo, nhưng muốn như vậy, phải làm sao?
      Mỗi ngày phải siêng năng đọc tụng kinh điển, không tụng kinh thì trí không sanh, không đọc tụng kinh thì thấy ngày đó thiếu thốn, nghĩa là Pháp thân mình bị ốm yếu, vì người tu lấy Pháp làm thân, không phải lấy sinh mạng làm thân. Mỗi ngày thân phải nghe pháp, tụng kinh, nếu không thì Pháp thân yếu. Mỗi ngày mỗi ngày chúng ta dành thì giờ cho việc đọc tụng, suy tư Phật pháp; không làm như vậy, chúng ta dễ lạc đường, khó quay trở lại. Thà không tu còn đứng tại chỗ, nhưng tu sai thì đi lạc xa, không tiến được, mà rớt vào ngã mạn. Thực tế cho thấy một số Phật tử tu lâu, nhưng tu sai nên rất khó chịu, nghe pháp thì không chú tâm và hiểu đạo theo dị kiến, họ học nhiều biết nhiều, nhưng làm cho người ghét, rồi lại khoe rằng tôi tu lâu rồi, nhưng thực sự đã bị lạc. Trong lúc người mới phát tâm nghe pháp tập trung và có ảnh hưởng tốt, tâm họ thanh tịnh. Vì vậy, cổ nhân nói phải giữ tâm ban đầu. Người mới phát tâm vào chùa thấy tượng Phật uy nghiêm thì kính trọng, nhưng đi lâu lại xem thường Phật. Đó là nhứt niên Phật tại tiền, lúc mới tu, Phật ở trước mặt, nhưng nhị niên Phật thăng thiên, lúc thấy Phật, lúc không thấy, hay thấy Phật bình thường là tâm hư rồi. Và tam niên bất kiến Phật, tu ba năm thì không còn thấy Phật, là tu sai, đi lạc quá xa.
      Người xưa khuyên tu lúc nào cũng có Phật ở trước mặt, hay giữ Phật trong lòng, mới có tiến bộ; đó là ý câu kệ thứ nhứt. Nhờ câu kệ này, tôi nghiền ngẫm, luôn có Phật trước mặt và để Phật vào lòng; từ đó gặp việc buồn không buồn, gặp việc thuận hay nghịch đều không thiết, vì trong lòng đã có Phật.
      Câu thứ hai: Nghiêm trì giới hạnh siêu tinh thần. Việc quan trọng tu hành phải có giới hạnh, mất giới hạnh là đi lạc. Giới ban đầu ràng buộc chúng ta, nhưng tu một thời gian, điều ràng buộc làm chúng ta trở thành người đáng kính trọng. Thí dụ Phật tử tu năm giới, mới đầu không được uống rượu cảm thấy khó chịu, nhưng sau quen, không nghiện rượu thấy dễ chịu; nói cách khác là khi cai được nghiệp của mình sẽ thấy giải thoát là nhờ giới làm chúng ta thanh tịnh. Giữ được giới nào thì thân chúng ta thanh tịnh chỗ đó, đáng được kính trọng chỗ đó. Càng giữ giới càng tốt, từng bước siêu thoát, đi lên. Thân vật chất chúng ta vẫn hiện hữu, nhưng tinh thần chúng ta thăng hoa gọi là thoát tục và khi chúng ta không bận rộn hơn thua phải trái với cuộc đời thì trí sanh ra, hiểu biết sanh ra. Còn kẹt cuộc sống, quyết định của chúng ta không sáng, thấy theo tình cảm thì thương trái ấu cũng tròn. Tinh thần chúng ta siêu thoát thế gian, thấy mới đúng.
      Theo Phật, thiện tri thức có hai là người xấu và người tốt. Thấy người xấu và người tốt đều là thiện tri thức thì tinh thần mới nở hoa, nhìn đời đẹp như vậy là nhìn theo Thiện Tài. Người tâm bị giới hạn thấy gì cũng xấu, vô chùa thấy sư không vừa ý, gây một trận bỏ về; về nhà thấy người thân là cha mẹ vợ con cũng không thích, bỏ đi là không còn đất sống.
      "Trí châu Pháp giới chơn thường lạc”. Người sống ung dung tự tại là vì tinh thần của họ siêu thoát. Siêu thoát tinh thần thì đi vào cuộc đời mới thấy chơn thường lạc là thấy lạc quan, yêu đời, vì thấy theo Hoa nghiêm, mỗi người một vẻ, một ý tưởng tốt. Kinh Pháp hoa nói chỉ có hoa sen đẹp nhất, nhưng kinh Hoa nghiêm nói tất cả các hoa đều đẹp, kể cả hoa dại, có những hoa nhỏ đơn giản vẫn đẹp, tập hợp thành vườn hoa đẹp, tức cuộc sống đẹp. Thật vậy, có người rất nghèo, nhưng sau khi lao động, họ ăn bánh mì khô cũng thấy rất dễ thương, hay chúng ta cho con cá ăn thấy nó cũng đẹp, thấy nó vui ta cũng vui. Tâm chúng ta siêu thoát thì tất cả mọi việc đều thấy đẹp, nhưng tâm còn kẹt cuộc đời thì thấy không có gì đẹp. Ở núi, tôi thấy con sóc, con khỉ bò ra leo lên cây bắp, gỡ vỏ ra, lấy hột ăn mà trái bắp còn nguyên, thấy rất dễ thương.
 
     Khi tâm hồn chúng ta siêu thoát, không còn hơn thua giành ăn với chúng sanh thì thấy cái gì cũng có nét đẹp riêng. Phật dạy chúng ta tu, nhìn cái dễ thương, đừng nhìn cái đáng ghét. Người quá tham lam thấy cái gì cũng đáng ghét. Dứt sạch tham lam, siêu thoát tâm hồn, trí chúng ta châu viên Pháp giới là cánh cửa giải thoát, từ đó thấy chơn thường lạc là thấy cái thật. Thấy thật là sao? Vì chúng ta tham, tranh giành với chúng sanh nên thấy nó ghét; nhưng lòng chúng ta cởi mở thấy trái đất này là của muôn loài, thì tại sao ta hại nó. Loài nào chúng ta cũng diệt, vì chúng ta tranh giành sự sống với nó, chúng ta không muốn nó sống thì nó cũng không muốn chúng ta sống, nên tất cả đều chết. Sự thật theo Phật thì tất cả các loài tương quan tương duyên tồn tại, một loài mất là mất sự cân bằng của trái đất. Chẳng hạn như tôi thấy voi rừng ra quật chết người, nó nổi giận, vì ta lấn đất, giành cuộc sống của nó. Rừng là chỗ ở của nó, nhưng chúng ta khai hoang, buộc nó phải tiến ra phá hoa màu thì chúng ta lại diệt nó. Phật dạy rằng tất cả vì cuộc sống mà tranh giành giết nhau, cái gì hợp với ta thì ta thấy phải, không hợp với ta thì ta cho là trái. Tất cả các loài phải cộng tồn. Một ngàn năm trước, trái đất có bao nhiêu người, đất dành cho loài khác tồn tại; nhưng một ngàn năm sau, loài người phát triển quá nhanh, đẩy tất cả các loài khác vào vòng diệt chủng. Và riêng trong loài người còn tranh giành với nhau, tự hủy hoại nhau. Nếu có ý thức cân bằng môi trường sống thì cái gì cần cho ta sống và cái gì phải để cho các loài khác sống, cái gì cần giữ cho thiên nhiên tươi tốt, thì không tàn phá thiên nhiên, không sát hại muông thú, chắc chắn là không xảy ra thiên tai, không bị khủng hoảng môi sinh gây tác hại cho chính loài người và cho cả thiên nhiên, cùng muôn loài.
      Thấy đúng sự thật gọi là chơn, ta phải giải quyết tốt đẹp, làm sao ta sống và các loài cùng sống, làm sao các anh em thượng đẳng là Phật, Bồ-tát, các anh em đồng đẳng là loài người và anh em hạ đẳng là các loài dưới chúng ta, tất cả cùng sống hài hòa; được như vậy, tâm chúng ta lúc nào cũng an vui. Ngày nào còn tranh giành giết nhau là còn gieo tang tóc cho loài người và muôn loài.
      Câu thứ tư: Quảng phát tâm hoa nhựt nhựt tân là trăm hoa đua nở trong lòng, thấy tất cả các loài đều đẹp, mỗi ngày chúng ta biết thêm được điều mới là nhựt nhựt tân. Nhờ bài kệ này hướng dẫn tôi sống tốt đẹp trải qua suốt sáu mươi năm. Tất cả Phật tử suy nghĩ theo để sống tốt thì điều thứ nhất tôi muốn nhắc nhở là làm sao chúng ta học được điều Phật làm, Thánh Tăng làm. Điều thứ hai là ta sống trên cuộc đời này chỉ làm lợi là vô hại, không làm tốt được cho cuộc đời thì cũng không làm xấu, để sau không phải ân hận. Thấy người bệnh hoạn, xấu xí, hôi dơ, ta biết nghiệp của họ, nên thương họ và từ từ tháo gỡ khó khăn cho họ, nói cách khác, cái xấu xí của họ cũng dễ thương, họ hôi dơ không dám đến gần ta thì thấy họ vậy cũng dễ thương, hoặc người nghèo mà biết an phận nghèo quy củ tu hành thì cũng dễ thương. Chỉ làm việc lợi ích thì mỗi ngày trôi qua thấy quá khứ đẹp, làm sai trái thấy không vui, tâm không nở hoa được. Mỗi ngày cố gắng làm lợi cho người, không giúp được thì cũng không gây đau khổ, để nhìn đời thấy đẹp. Chúng ta thấy rõ mỗi loài đều có nghiệp, nó yếu ớt, không chống trả được loài người, nên phát tâm thương, giúp, cứu được là cứu và làm được nhiều việc thiện thì sau tâm chúng ta luôn an lạc, vì nhớ đến quá khứ tốt, tâm ta sẽ an, nhớ quá khứ xấu, tâm chúng ta sẽ khổ. Làm được nhiều việc tốt, thì kết thúc trăm hoa đua nở trong lòng, tất cả những gì làm tốt trong quá khứ đều có trong lòng chúng ta và cái hôm nay sẽ là nhân cho cái sau.
      Cầu mong quý Phật tử nỗ lực làm nhiều việc tốt, tâm sẽ nở hoa, cuối cùng trăm hoa đua nở trong lòng thì con đường Bồ tát đạo như vậy sẽ dẫn đến quả vị Phật không xa.